Tác giả:
ICAFIS
Năm xuất bản:
06/02/2015
Từ cách đây hơn 50 năm, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility hay CSR) đã chính thức xuất hiện khi H.R.Bowen công bố cuốn sách của mình với nhan đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessmen) năm 1953. Tuy nhiên từ đó đến nay thuật ngữ này được hiểu theo nhiều cách khác nhau và chưa đi đến sự thống nhất. Theo Ủy ban Châu Âu, Uỷ ban điều hành các về đề xã hội và nghề nghiệp: “CSR là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, phối hợp với người lao động, gia đình của họ, cộng đồng địa phương và xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng có lợi cho việc kinh doanh cũng như sự phát triển chung.” Một cách hiểu khác , theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, CSR được hiểu như “Cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây trách nhiệm xã hội đã được áp dụng rộng rãi trong các ngành may mặc, giày da, cơ khí, xây dựng... Tuy nhiên, thủy sản là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, đem lại nhiều ngoại tệ, với nhiều loại hình lao động và lực lượng lao động tham gia ước khoảng 5 triệu lao động nhưng việc thực hiện trách nhiệm xã hội lại chưa được quan tâm nhiều và còn bỏ ngỏ ở nhiều mảng, đặc biết là mảng khai thác thủy sản.