Nguồn : hanoimoi.com.vn
(HNMO) - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện vẫn chưa được các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, thống nhất. Ngay trong giới nghiên cứu vẫn cho rằng trách nhiệm xã hội "quay lưng với kinh tế thị trường". Thực tế cho thấy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là phong cách gắn với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp...
Tuy Việt Nam đã tạo ra những thành quả kinh tế ấn tượng nhưng cũng đem lại nhiều thách thức mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những đòi hỏi từ các công ty quốc tế, các nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và người tiêu dùng toàn cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu về an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng. Luật chơi trong thời hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các vấn đề trên nếu không muốn rơi khỏi cuộc chơi. Luật chơi đó gắn liền với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bởi nó bao hàm toàn bộ những khía cạnh trên.
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (số liệu năm 2012) đã chỉ ra đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu đúng về trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp vẫn có vẻ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội tới bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Viện này thì mới chỉ có 36% doanh nghiệp được hỏi trả lời có bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội. Và khoảng 2% doanh nghiệp nói họ hiện đang là thành viên của nhóm thực hiện các tiêu chuẩn CS (tiêu chuẩn Việt Nam). Cũng trong hai năm 2011 và 2012, 28% số doanh nghiệp chấp hành bảo vệ môi trường, 5% DN thừa nhận có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc y tế… Đó là thực trạng buồn về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2009, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt mức thu nhập trung bình, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt gần 2.000 USD. Sự nghèo đói đã giảm nhiều, Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế và hiện đang đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng sẽ đem lại nhiều thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tái cấu trúc và chuyển dịch nền kinh tế..
Đồng thời với nó là những đòi hỏi ngày càng tăng từ các công ty quốc tế, các nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu về an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường. Trong khi đó tại Việt Nam thì 97% trong tổng số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở đó còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc đảm bảo môi trường lao động, phúc lợi lao động cho người lao động và thực hiện những trách nhiệm cần thiết của doanh nghiệp đối với xã hội.
Hiện một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội một cách bài bản, có chiến lược tại Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp đa quốc gia và một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam có thể được coi là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ, theo cách có lợi cho doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của xã hội.
Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng... Cụ thể hơn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao hàm những vấn đề như hoạt động của doanh nghiệp không gây ra tác hại đối với môi trường sinh thái mà phải thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, hoạt động kinh doanh. doanh nghiệp không những quan tâm về vật chất mà còn phải quan tâm về mặt tinh thần của người lao động; tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ, không phân biệt đối xử về mặt giới tính trong tuyển dụng lao động và trả lương mà phải dựa trên sự công bằng về năng lực của mỗi người; phải cung cấp những sản phẩm có chất lượng tốt, không gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng; phải biết dành một phần lợi nhuận của mình đóng góp cho các hoạt động trợ giúp cộng đồng, phải biết chia sẻ gánh nặng cùng người tiêu dùng.
Có thể đánh giá hiệu quả của trách nhiệm xã hội qua các chỉ số tài chính khác nhau như sự hài lòng của người tiêu dùng, số lượng khiếu nại, mức tiêu thụ năng lượng, khối lượng rác thải, năng suất lao động…
Bản chất của doanh nghiệp phải thể hiện rõ qua trách nhiệm xã hội và sự tác động tương hỗ giữa kết quả của trách nhiệm xã hội sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển một cách ổn định. Doanh nghiệp càng có trách nhiệm xã hội cao thì càng có khả năng sinh lợi lớn và ngược lại. Để giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội rất cần các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như ISO2600…, đạt được chứng nhận về trách nhiệm xã hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước hỗ trợ cộng đồng doanh nhân giúp họ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.