Tăng khả năng cạnh tranh cho cá tra

Nguồn: tintucnongnghiep.com

Nghị định 36/2014/NĐ - CP (Nghị định 36) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra sau một năm đi vào cuộc sống đã tạo được sự chuyển biến, giúp chấn chỉnh ngành nuôi cá tra, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh và gian lận thương mại.
 
Xây dựng dữ liệu về vùng nuôi
 
Theo quy định, bắt đầu từ ngày 1/6/2015, khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam thì phải bổ sung thêm thông tin về vùng nuôi, đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Theo đó, kết thúc tháng 6, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã xác nhận cho 184 doanh nghiệp xuất khẩu với 14.523 bộ hồ sơ với tổng khối lượng các lô hàng là 475.294 tấn. Hiện tổng diện tích đăng ký nuôi cá tra thương phẩm đạt hơn 1.000 ha, trong đó hầu hết là của doanh nghiệp, với tổng sản lượng dự kiến đạt hơn 327.000 tấn. Việc các doanh nghiệp chấp hành nghiêm những quy định đã tạo điều kiện cho ngành chức năng nắm được tình hình xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, hàng tồn kho... từ đó có định hướng phát triển ngành cá tra.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, việc xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra đang được thực hiện tốt và Hiệp hội đã xây dựng được bộ dữ liệu ban đầu bao gồm về vùng nuôi, chủ thể vùng nuôi... cũng như đẩy mạnh tham gia liên kết xuất khẩu với những công ty chế biến, quản lý vùng nuôi của địa phương, khả năng sử dụng nguyên liệu... Hiệp hội cũng đã xây dựng phần mềm cho các doanh nghiệp đăng ký online, không cần phải gửi hồ sơ nhằm giảm thời gian cho doanh nghiệp. 
 
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích hợp với mạng hải quan giúp doanh nghiệp khai báo thuận lợi hơn. Đánh giá của chúng tôi, Nghị định 36 đang mang lại hiệu quả và vùng nuôi cá tra trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đang hướng đến sự phát triển theo hướng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cá tra trên thị trường”.
 
Đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc 
 
Bên cạnh đó, ông Võ Hùng Dũng cho biết: Nghị định 36 đã đưa ra những quy định cho hoạt động của ngành hàng cá tra từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu để từ đó có sự cân đối sản lượng nguồn cung cá nguyên liệu đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc và đáp ứng cho việc phân tích, dự báo ngành. Vì vậy, tuy mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn nhưng Nghị định 36 đã tạo những bước đi căn bản, đảm bảo cho sự phát triển dài hạn, đối phó tốt trước những vụ tranh chấp, kiện tụng chống bán phá giá, yêu cầu truy xuất nguồn gốc và đạo luật nông nghiệp của Mỹ. Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang phát huy vai trò cầu nối liên kết trong chuỗi giá trị cá tra và nhận được sự ủng hộ của các địa phương, bộ ngành. Hiện ngành đang triển khai quy hoạch lại vùng nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương, tiến tới cấp mã số vùng nuôi, yêu cầu về công bố thông tin, về tỷ lệ mạ băng, hàm lượng ẩm và đăng ký hợp đồng... 
 
Từ đầu năm đến nay, ngành cá tra sản xuất tăng nhưng xuất khẩu giảm, cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng xuất khẩu sang ASEAN và Trung Quốc tăng lên, ổn định ở Mỹ và thị trường EU giảm mạnh. Tại nhiều thị trường, chẳng hạn như EU, còn đặt ra yêu cầu trên nhãn hàng hóa và cả trên chứng thư kèm lô hàng cá tra phải minh bạch, ghi rõ chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu trên nhãn hàng hóa...
 
“Trước đây, khi đưa ra thời điểm thực hiện tiêu chuẩn hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng theo Nghị định 36 nhiều doanh nghiệp phản ứng, nhưng trước yêu cầu minh bạch hàng hóa của nhà nhập khẩu, đây lại là yếu tố khá quan trọng. Hiện chúng tôi đã hướng doanh nghiệp thực hiện Nghị định 36 theo những vấn đề mà nhà nhập khẩu, thị trường đang quan tâm, cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng và được doanh nghiệp hưởng ứng”, ông Dũng nói thêm.
 
Tuy nhiên, theo Nghị định 36, đến cuối năm 2015, các vùng nuôi phải đạt chuẩn VietGAP và điều này đang là cái khó cho rất nhiều nhà nông. Hiện nay, hiện đa số diện tích nuôi đáp ứng được quy định đã được đăng ký là vùng nuôi của các doanh nghiệp, còn vùng nuôi nhỏ lẻ của nông dân vẫn chưa thể thực hiện. 
 
Trong điều kiện đó, các chuyên gia trong ngành khuyến nghị nông dân cần phải liên kết lại trong tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để có diện tích lớn đảm bảo thực hiện tốt những tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân và bảo đảm người nuôi có lời nhằm hạn chế tối đa việc nuôi theo tiêu chuẩn nhưng giá bán bằng cá nuôi thường sẽ tác động đến nhận thức của nhà nông với VietGAP. Riêng giấy chứng nhận vùng nuôi, nhiều doanh nghiệp và hộ dân đăng ký vẫn còn lúng túng và chậm đang gây khó khăn cho công tác quản lý, quảng bá sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.
 
Lê Nghĩa (Báo Tin Tức)

Share: 

Tin tức khác