DOANH NGHIỆP TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC VỀ TẬN AO TÔM, HAI BÊN ĐỀU CÓ LỢI

Ở vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp (có cả doanh nghiệp nước ngoài) đang đến tận ao hỗ trợ nông dân nuôi tôm theo các chứng chỉ chất lượng, thiết lập kênh tiêu thụ đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Từ đó, đảm bảo chế biến xuất khẩu ổn định, góp phần phát triển ngành hàng tôm bền vững.  

Doanh nghiệp nước ngoài tới ao nuôi tôm

Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê ở xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) Mã Văn Hồng cho biết, gần đây đã đón đại diện một số doanh nghiệp mua tôm ở nước ngoài đến tận ruộng tôm, trực tiếp chứng kiến quy trình nuôi tôm sạch. HTX Nông ngư Hòa Đê với 61 thành viên, 73ha tôm - lúa, sản xuất không dùng hóa chất và kháng sinh từ năm 2013. Trong nuôi tôm, chỉ sử dụng men vi sinh và khi tôm nhiễm bệnh thì dùng tỏi để trị. Còn mùa mưa làm lúa cũng không sử dụng thuốc hóa học, không cả cày bừa đáy ao.

14-43-04_2906173
Ruộng nuôi tôm sạch của Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê

Năm 2016, trong tổng diện tích 73ha, HTX nuôi tôm thẻ chân trắng 45ha, tôm sú 18ha. Tôm thẻ chân trắng thả giống mật độ dưới 30 con/m2, nuôi 2 vụ thu 76,8 tấn; tôm sú thả mật độ 10 - 13 con/m2, nuôi một vụ thu 13 tấn. Giám đốc Hồng phấn khởi là tất cả đều có lời.

Năm nay, HTX ký hợp đồng với Cty Thủy sản sạch Sóc Trăng bao tiêu tôm với giá cao hơn thị trường 1.000 - 5.000 đồng/kg, để chế biến xuất khẩu. “Chúng tôi cam kết sản xuất không kháng sinh, không hóa chất, sẵn sàng chấp nhận mọi sự kiểm tra”, Giám đốc Hồng khẳng định.

Bà Megan Bloomer là doanh nhân Mỹ của Cheesecake Factory, từng đến ao tôm ở tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau, nhận xét, nông dân ĐBSCL nuôi tôm nhỏ lẻ mà theo tiêu chuẩn sạch là rất đáng quý. Theo bà, thị trường toàn cầu có nhiều tiêu chuẩn chất lượng, người nuôi tôm cần biết sản phẩm bán cho ai, yêu cầu chứng nhận gì để đáp ứng, nhằm tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả kinh tế. Bởi nông dân Mỹ cũng có tình trạng tiêu tốn hàng trăm nghìn USD cho chứng nhận nhưng không có kết quả gì, trong lúc số khác đạt hiệu quả tốt. Những người đạt hiệu quả tốt là nhờ hợp tác với doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp phân phối, xác định rõ nhu cầu của người tiêu dùng để đáp ứng đúng.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Phẩm, TGĐ Cty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, phân tích thêm, thị trường biến động rất nhanh, để đáp ứng có hiệu quả thì tương tác giữa doanh nghiệp và người nuôi cũng phải nhanh. Để tương tác nhanh, phải liên kết chặt chẽ, hai bên cùng nỗ lực vì công việc rất nhiều, một bên thực hiện không nổi. Điều kiện cho hai bên cùng nỗ lực là lợi ích chia sẻ phải công bằng, lại đòi hỏi sự minh bạch. Chẳng hạn, vừa qua, tôm nuôi đạt chất lượng tốt, bán giá tăng thêm 1 USD/kg. Trong đó, 0,3 USD đã chi phí cho kỹ thuật làm tăng giá trị, còn lợi nhuận 0,7 USD cần được chia sẻ công bằng giữa doanh nghiệp và người nuôi. Muốn chia sẻ công bằng thì quá trình sản xuất và kinh doanh phải minh bạch, được ghi chép rõ ràng theo các tiêu chuẩn chung.

Diễn biến khác, để giúp thị trường ổn định hơn với chất lượng thống nhất, ngay trong khu vực ASEAN, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) của Hội Nghề cá Việt Nam đang phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tổ chức xây dựng một tiêu chuẩn của khu vực. Tiêu chuẩn này hình thành trên cơ sở hài hòa chứng chỉ của các quốc gia, giúp kết nối sản xuất với nhu cầu thị trường, gọi tắt là ASIC. Bà Megan Bloomer bày tỏ, tin tưởng ASIC vì thấy các quy định chuẩn, giúp nông dân có thu nhập tốt và “chúng tôi cũng thu nhập tốt”.  

Thỏa thuận hợp tác nhiều bên

Sáng 29/6, tại tỉnh Cà Mau, một thỏa thuận hợp tác nhiều bên nhằm nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC, BAP để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài đã được ký kết. Mục tiêu là xây dựng vùng nguyên liệu tôm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với nhu cầu của khách hàng nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và qua đó, nâng cao vị thế con tôm Cà Mau. Các bên ký kết gồm Cty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt (Cty Quốc Việt) ở TP Cà Mau, HTX nuôi tôm Tân Long và Đoàn Kết ở xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), UBND xã Tân Duyệt, Phòng NN-PTNT huyện Đầm Dơi, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau và ICAFIS cùng WWF Việt Nam.

14-43-04_2906172
Thỏa thuận nhiều bên tại Cà Mau vào sáng 29/6

Cty Quốc Việt hỗ trợ nông hộ thuộc 2 HTX nuôi tôm đạt chứng nhận ASC, BAP và quảng bá, giới thiệu thương hiệu tôm Cà Mau với khách hàng quốc tế. Qua đó, thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng, cơ chế trách nhiệm và lợi ích cho các bên tham gia. Đồng thời, nhân rộng vùng chứng nhận đối với các HTX khác trong vùng.

Trách nhiệm của 2 HTX, nuôi đúng quy trình, sử dụng con giống, thức ăn và các yếu tố đầu vào theo quy định của tiêu chuẩn ASC, BAP. Thực hiện tốt việc ghi nhật ký ao nuôi (tôm thâm canh, quảng canh); lưu trữ tất cả các hóa đơn mua tôm giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và vật tư, điện sản xuất. Thống nhất thời gian thu hoạch, giá bán sản phẩm với Cty Quốc Việt.

Về phía UBND xã Tân Duyệt và Phòng NN-PTNT huyện Đầm Dơi, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết để các hộ nuôi hợp tác tốt với Cty Quốc Việt. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn khách trong nước và quốc tế (nhất là các doanh nghiệp mua tôm ở nước ngoài) là đối tác của Cty Quốc Việt và ICAFIS tham quan, làm việc tại vùng nuôi. Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau hỗ trợ các bên liên quan hoạt động đạt mục tiêu chung và làm trung gian hòa giải khi có tranh chấp, mẫu thuẫn xảy ra.

Còn trách nhiệm của ICAFIS và WWF Việt Nam là hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực để thực hiện thành công mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế. Chú trọng phối hợp với Cty Quốc Việt thúc đẩy và phát triển thương hiệu tôm Cà Mau cho khách hàng quốc tế, cung cấp thông tin, cải thiện hình ảnh ngành hàng tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phó giám đốc ICAFIS Đinh Xuân Lập cho biết: “Thỏa thuận hợp tác có giá trị ít nhất là 5 năm kể từ ngày ký, xây dựng cho được hình ảnh con tôm có chất lượng với khách hàng nước ngoài, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Tất cả các nước tham gia xuất khẩu đều phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc”.

Ông Huỳnh Quốc Tịnh ở WWF Việt Nam và ông Mai Thành Chung ở POPPEN chuyên mua tôm của Hà Lan và Đức, cho biết, các nước phát triển thường ưu tiên người sản xuất nhỏ, tuy nhiên sản phẩm phải minh bạch chất lượng. Các bên tham gia chuỗi sản phẩm tôm phải nỗ lực không ngừng, trong đó, việc tiếp xúc trực tiếp giữa người nuôi tôm và doanh nghiệp mua tôm là rất quan trọng.

Khi doanh nghiệp chế biến tôm đến tận ao nuôi, cũng có nghĩa đã diễn ra quá trình đối thoại giữa nhu cầu tiêu dùng và khả năng sản xuất để tìm giải pháp tối ưu. Yêu cầu của quá trình đối thoại này là phải thường xuyên. Giám đốc ICAFIS Lê Thanh Lựu nói: “Quá trình đối thoại phải liên tục, không kiểu phong trào khi có khi không, để đưa ngành sản xuất tôm phát triển bền vững”.
THANH HẢI

Share: 

Tin tức khác