Thủy sản Việt Nam với vấn đề “Thực hành Trách nhiệm Xã hội”

Trên thế giới, hầu hết các Công ty đa quốc gia đều xây dựng các Chương trình “Thực hành Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR)” áp dụng trong hệ thống và đối tác cung ứng toàn cầu. Lợi ích của việc thực hành này đã được ghi nhận ở nhiều tập đoàn lớn như: Microsoft, Google, BMW, Apple, Wal-Mart, Metro (trong đó, Microsoft được xếp hạng số 1 trong danh sách 10 công ty thực hành Trách nhiệm Xã hội tốt nhất thế giới - năm 2012). 

Thủy sản Việt Nam với vấn đề “Thực hành Trách nhiệm Xã hội”

Tại Việt Nam, Trách nhiệm Xã hội đã được thực hiện ở rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau như Dệt may, Da giầy, Ngân hàng, Thủy sản... Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao. Hiện nay, nhiều hệ thống chứng nhận về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) được các khách hàng quốc tế yêu cầu đối với thủy sản Việt Nam như: SA8000, BSCI, COSTCO, SMETA, METRO, WALMART, BAP, ASC… Bên cạnh đó, CSR cũng được đề cập dày đặc trong các hiệp định thương mại FTA, TPP và trong hướng dẫn bổ sung cho nghề cá quy mô nhỏ của FAO.  

Nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực thi CSR cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, ngành Thủy sản đã tổ chức nhiều sự kiện: hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại, tập huấn… Qua đó, từng bước nâng cao kiến thức và kỹ năng vận dụng, thực hành Trách nhiệm Xã hội cho các doanh nghiệp thủy sản.

Ngày 02/10/2015, tại thành phố Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Oxfam Việt Nam dưới sự tài trợ của Chính phủ Thụy Điển đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia “Thực hành Trách nhiệm Xã hội trong ngành Thủy sản”. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản và ngư dân các tỉnh phía Nam. Theo đó, Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) là một trong những tiêu chí được các nhà nhập khẩu quốc tế yêu cầu; đồng thời CSR cũng là một minh chứng cho sự tuân thủ của doanh nghiệp về các tiêu chí: Chất lượng sản phẩm, Quyền lợi của người lao động, Trách nhiệm với môi trường sinh thái và cộng đồng, Bảo tồn nguồn lợi tự nhiên…

Thực hành Trách nhiệm Xã hội là một yếu tố quan trọng để nâng khả năng cạnh tranh của ngành Thủy sản Việt Nam, đảm bảo lợi ích của người sản xuất quy mô nhỏ và người lao động trong chuỗi giá trị thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự chia sẻ công bằng các giá trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo vai trò gắn kết của người sản xuất quy mô nhỏ. Tại diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ các kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết về tính cấp thiết và vai trò của các bên tham gia thúc đẩy thực hành Trách nhiệm Xã hội; chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt, lồng ghép và tăng cường các vấn đề về giới trong thực hành CSR và thảo luận chương trình hành động vận động thực thi các chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy thực hành Trách nhiệm Xã hội trong ngành Thủy sản Việt Nam nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh cho ngành Thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 04/12/2015, tại Khách sạn Luxury Nha Trang, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững đã phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam và SGS Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực hành Trách nhiệm Xã hội trong ngành Thủy sản Việt Nam” với 02 mục tiêu chính: (1) Nâng cao sự hiểu biết của các doanh nghiệp về các yêu cầu/đòi hỏi của thị trường nhập khẩu đối với vấn đề thực hành Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR); Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm thực hành tốt để tạo động lực cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hướng đến thực hành “Trách nhiệm Xã hội” trong toàn ngành, nhằm đảm bảo sự hòa hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.

Trong khuôn khổ hoạt động của hai dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam – SusV” và “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng - Graisea”, trong các ngày từ 17 đến 19/11/2016, tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững đã cùng với Tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp với các chuyên gia tư vấn đến từ Công ty SGS Việt Nam và Cty TNHH Chứng Nhận KNA tổ chức khóa tập huấn về “Đánh giá nội bộ nhà máy chế biến thủy sản theo các chứng nhận quốc tế về Trách nhiệm Xã hội” cho các công ty và doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của các ngành sản xuất (trong đó có ngành Thủy sản).

Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… và các tiêu chuẩn chứng nhận như SA800, BSCI, BAP, ASC… cũng đặt yêu cầu cao về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR). Vì vậy, thực hành “Trách nhiệm Xã hội” chính là bước đi quan trọng, đảm bảo phát triển bền vững ngành hàng. Mục tiêu của khóa tập huấn là nâng cao năng lực và hỗ trợ tư vấn trong quá trình áp dụng, xây dựng quy trình và thực hành cũng như hồ sơ trong đánh giá thực hành Trách nhiệm Xã hội cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Khóa tập huấn đã được các chuyên gia hàng đầu giảng dạy, hướng dẫn về các mảng chứng nhận trong sản xuất, chế biến thủy sản. Tham gia lớp tập huấn có trên 30 học viên đến từ 16 công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản ở hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Qua khóa tập huấn, các học viên đã nắm vững kiến thức thực hành về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp, từ đó phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngày 26/10/2017, tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững đã phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm "Trách nhiệm Xã hội doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam". Tại buổi tọa đàm, đại diện công ty TNHH Hải sản Việt Hải cho biết “Từ khi tập trung thực hành tốt Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp, Công ty đã thu hút được nhiều khách hàng hơn”. Từ góc độ quốc tế, ông Alba Caratis - Chuyên gia tư vấn cho rằng: Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu tốt, ngoài việc thực hành tốt CSR, còn phải có chiến lược truyền thông “thông suốt và minh bạch” về việc tuân thủ nghiêm các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 26/11/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Đối thoại Quốc gia về ngành Thủy sản trong hoàn cảnh hội nhập toàn cầu; Trong đó, đối thoại chia sẻ lộ trình thúc đẩy thực hành Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp trong ngành Thủy sản Việt Nam trong bối cảnh triển khai Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho việc tham gia chuỗi cung ứng Việt Nam vào chuỗi thủy sản toàn cầu một cách bền vững.

Ngày 20/02/2020, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã tổ chức một Cuộc họp khởi động của Ban Cố vấn “Thúc đẩy Thực hành Trách nhiệm Xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản ở Việt Nam”; Ban Cố vấn chính thức ra mắt, gồm 14 thành viên là lãnh đạo và chuyên gia có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm và uy tín, sẽ hỗ trợ ngành Thủy sản xây dựng chiến lược và kế hoạch thực hiện các hoạt động thúc đẩy, nhân rộng các thực hành tốt về kinh doanh hiệu quả, có trách nhiệm.   

Và gần đây nhất, ngày 16/10/2020, tại Khách sạn Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ), Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Dự án “Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á” (RSCA) tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách với chủ đề: Việc làm bền vững vì một ngành Thủy sản Việt Nam cạnh tranh và năng suất.

Đến dự Hội thảo là các lãnh đạo và cán bộ đại diện Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, Chi cục Thủy sản (các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh), Chi cục Quản lý chất lượng (các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã (các tỉnh Trà Vinh, Khánh Hòa), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội Cá da trơn, Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn, các HTX (Thành Đạt, Hòa Đê, Công nghệ cao Bạc Liêu, Hưng Phú, Toàn Thắng), Tổ chức Oxfam Việt Nam, VCCI Hồ Chí Minh, VCCI Cần Thơ, và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, về phía các đại biểu quốc tế có đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức IDH tại Hà Lan, Tổ chức IDH tại Việt Nam, Tổ chức WWF tại Việt Nam.

Theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản: Việt Nam cần xử lý nghiêm hơn nữa các trường hợp vi phạm. Nếu làm nghiêm, làm chặt (như Thái Lan) thì mọi việc chắc chắn sẽ tốt hơn. Ngày 16 tháng 5 năm 2019, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Theo đó, quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan..

Tại Hội thảo, Bí thư thứ nhất, Bộ phận Thương mại (Phái đoàn Liên minh Châu Âu) Bartosz Cieleszyński đã rất vui mừng khi được phía Việt Nam mời tham dự và phát biểu tại sự kiện quan trọng, nhiều ý nghĩa này. Theo văn hóa châu Âu, khái niệm “công việc tốt” là khi các quyền cơ bản của con người được tôn trọng và bảo đảm; Bên cạnh đó, đảm bảo điều kiện an toàn lao động và thù lao; Tôn trọng, bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động. Công việc hiệu quả là cốt lõi để các doanh nghiệp đạt được lợi ích/lợi nhuận.  

Trong khuôn khổ các Hiệp định Đối tác - Hợp tác, Liên minh châu Âu đang thúc đẩy hiệu quả sản xuất thông qua các Chính sách Thương mại và Phát triển được trao đổi tại các cuộc đối thoại về quyền lao động, cũng như các cuộc đối thoại về quyền con người. Trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng có chương đề cập sự phát triển bền vững, các hiệp định cập nhật cũng bao gồm các chủ đề như "công việc hiệu quả" và thực hành "trách nhiệm trong kinh doanh".

Có thể thấy, ở châu Âu thì chương "Thương mại và Phát triển Bền vững" (TSD - Trade and Sustainable Development) được chú ý nhiều hơn cả, ngay từ trước khi EVFTA được phê chuẩn. Chương "Thương mại - Phát triển Bền vững" trong Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA bao gồm các điều khoản đầy tham vọng, tương tự như các điều khoản trong các hiệp định với các nước phát triển (như Nhật Bản, Canada). Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU bao gồm các cam kết về việc “mỗi Bên phải thực hiện hiệu quả các Tiêu chuẩn Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các Công ước do ILO phê chuẩn (bên cạnh các Công ước cơ bản)”. Đồng thời, mỗi bên cũng phải thực hiện các cam kết hướng tới việc phê chuẩn các Công ước cơ bản; “không vi phạm và thực thi hiệu quả các điều luật trong nước, như Luật Lao động, Luật Bảo vệ Môi trường để thu hút thương mại và đầu tư”.

Phía EU đặc biệt ấn tượng về mức độ thực hiện cam kết của Việt Nam, chuẩn bị thực thi các quy định trong chương "Thương mại và Phát triển Bền vững". Đáng chú ý là việc Việt Nam cải cách Bộ luật Lao động (được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm 2019) chính là một bước ngoặt trong việc phát triển Quyền lao động của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc phê chuẩn và thực hiện hai Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cụ thể là, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết của mình trong việc phê chuẩn Công ước 98 của ILO về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước 105 của ILO về Xóa bỏ Lao động cưỡng bức. Những động thái này đã thể hiện sự đổi mới và hiện đại hóa chưa từng có trong hệ thống kinh tế - chính trị của Việt Nam.

Việt Nam cần lưu ý, chương "Thương mại và Phát triển bền vững" đã thiết lập vai trò không chỉ cho các thành viên của Ủy ban chuyên trách “Thương mại và Phát triển bền vững” (là các cán bộ cấp cao của cơ quan quản lý hành chính có liên quan) mà còn xây dựng cho cả các tổ chức xã hội (như: các Nhóm tư vấn trong nước, các Diễn đàn). Sự tham gia của các tổ chức xã hội là một điều hoàn toàn mới ở Việt Nam. Thách thức nằm ở việc triển khai thực tế. Về mặt này, EU đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thông qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO. Mục tiêu cụ thể là: Thúc đẩy việc áp dụng hiệu quả các Công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự cởi mở trong việc thảo luận tất cả các lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực khó đối với Việt Nam, nhưng lại rất quan trọng đối với EU (bên cạnh chương trình nghị sự về thương mại và đầu tư). Việt Nam - EU chỉ có thể tiến bộ thông qua quan hệ đối tác và đối thoại liên tục. Do đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU sẽ làm tăng sự kết nối giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu. EU sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam và ILO cũng như các đối tác khác để đảm bảo rằng các cam kết sẽ trở thành hiện thực.

Ngọc Thúy – FICen

Share: 

Tin tức khác