Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu ở Việt Nam

Sáng ngày 30/8/2019, bên cạnh các sự kiện của Hội chợ - Triển lãm Thủy sản Vietfish 2019, diễn đàn “Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm Nghêu” đã được tổ chức trong khuôn khổ của Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam”.

Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu ở Việt Nam

Cùng với tôm, cá tra, cá rô phi, Nghêu là một trong 04 sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam và cũng là sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới. Đối với xuất khẩu, Nghêu là loài nhuyễn thể có nhiều tiềm năng, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, để khai thác được các thị trường khó tính như EU, Việt Nam phải xây dựng được Chuỗi giá trị Nghêu phát triển bền vững.

EU hiện là thị trường lớn nhất nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam. Đây cũng là thị trường có yêu cầu khắt khe nhất trong việc sơ chế và kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể là, Nghêu xuất khẩu vào EU phải được thu hoạch từ vùng nuôi nằm trong Chương trình giám sát quốc gia về An toàn thực phẩm; Hồ sơ đăng ký của nhuyễn thể sống phải đầy đủ các thông tin nhận dạng và địa chỉ của người thu gom, vị trí, thời gian thu hoạch, tình trạng vệ sinh vùng thu hoạch, địa chỉ, thời gian nơi làm sạch…

Dự án Nghêu tại 03 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu và Tổ chức Oxfam Việt Nam đồng tài trợ; Được thực hiện bởi Oxfam Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI). Dự án đã thực hiện phát triển Chuỗi giá trị Nghêu bền vững và toàn diện ở 03 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang). Dự án được triển khai trong 04 năm (từ 2018-2022) với mục tiêu: Gia tăng thu nhập cho người sản xuất quy mô nhỏ và các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ trong ngành hàng Nghêu thông qua các hoạt động sản xuất bền vững.

 

 

 

Theo SCBV, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi có điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành hàng Nghêu. Trước đây, thu nhập của người nuôi Nghêu thường đạt khá cao, nhưng những năm gần đây, mức thu nhập của người nuôi bị giảm sút do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Hơn nữa, đa số các hộ dân nuôi theo tập quán cũ với quy mô nhỏ lẻ với năng lực và kỹ thuật sản xuất còn hạn chế. Hầu hết các sản phẩm là sản phẩm thô hoặc được sơ chế đơn giản, có chất lượng và giá trị thấp. Các doanh nghiệp chế biến nghêu thì hạn chế về năng lực và kỹ thuật, chỉ gia tăng một phần giá trị không đáng kể trong chuỗi (do quy mô nhỏ và công nghệ chế biến lạc hậu). Trong khi đó, các công ty lớn lại thiếu kết nối với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị. Thực trạng này kéo dài nhiều năm khiến các hộ sản xuất và doanh nghiệp chế biến khó áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng Nghêu.

Để phát triển bền vững, các tác nhân trong Chuỗi giá trị bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Chứng nhận chất lượng chính là yêu cầu bắt buộc và là chìa khóa để sản phẩm Nghêu có thể tiếp cận các thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có vùng nuôi nghêu ở Bến Tre đạt được chứng nhận MSC (theo Tiêu chuẩn đánh bắt thủy sản của Hội đồng Quản lý biển).

Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm Nghêu

Ngày 30/8/2019, diễn đàn “Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm Nghêu” đã được tổ chức trong khuôn khổ của Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV).

Tại diễn đàn, đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã cung cấp thông tin chi tiết về những tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải đáp ứng khi xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang thị trường EU. Một số bài tham luận cũng đã đề cập đến Xu hướng nhập khẩu và các yêu cầu của thị trường quốc tế đối với sản phẩm Nghêu; Chương trình thu mua ngành hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị: quy định tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện để một doanh nghiệp trở thành đơn vị cung cấp. Cũng tại diễn đàn này, việc trao đổi hỏi-đáp đã được thực hiện giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị thu mua Nghêu trong nước/ quốc tế.

Theo báo cáo của SCBV, nhờ đã áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển Chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản trị chuỗi, người sản xuất quy mô nhỏ trong ngành Nghêu đã được hỗ trợ thực hành sản xuất bền vững, chủ động tham gia vào các Chuỗi giá trị được chứng nhận thông qua các hợp đồng cung ứng với các công ty chế biến vừa và nhỏ, cũng như với các doanh nghiệp lớn. Kết quả là, năng lực của những người sản xuất quy mô nhỏ được nâng cao, nhờ đó, có thể thực hành các tiêu chuẩn bền vững. Đối với các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ, đã đạt được giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng lực đàm phán của các nhóm sản xuất được cải thiện; người sản xuất quy mô nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nhiều thị trường mới trong và ngoài nước thông qua các hoạt động tăng cường năng lực tiếp thị cũng như xúc tiến hợp tác thương mại tại Việt Nam và các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU).

 

Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, sản phẩm nhuyễn thể Việt Nam nói chung và Nghêu nói riêng sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU bởi nhu cầu tiêu dùng của khu vực này rất lớn. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với các mức thuế suất giảm mạnh sẽ giúp Nghêu Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Để tận dụng được cơ hội này, các hộ nuôi trồng và doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thủy sản cần nhanh chóng liên kết, tạo chuỗi giá trị ngành hàng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững mà thị trường yêu cầu.

Nhân sự kiện Hội chợ - Triển lãm Thủy sản Vietfish 2019, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với tổ chức Oxfam Việt Nam và Bureau Veritas Việt Nam tổ chức gian trưng bày các sản phẩm nghêu thuộc Dự án SCBV nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Nghêu Việt Nam với khách hàng trong nước và quốc tế.

Ngọc Thúy – FICen

Share: 

Tin tức khác