Phát hiện mới về nguồn gốc hàng chục nghìn tấn vây cá mập ở châu Á

Các nước châu Âu đang buôn bán lượng vây cá mập lớn tới châu Á, tới mức thống lĩnh gần một nửa kim ngạch thương mại, theo một nghiên cứu mới công bố, Guardian đưa tin hôm 2/3.

Số lượng cá mập đang ngày càng suy giảm do hoạt động buôn bán vây cá mập trên toàn cầu. Năm 2021, các nhà khoa học phát hiện 1/3 số loài cá mập và cá đuối bị đánh bắt quá nhiều tới mức gần như tuyệt chủng, gây nguy hiểm cho sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái đại dương và an ninh lương thực của nhiều quốc gia.

Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật (IFAW) đã phân tích dữ liệu hải quan trong gần hai thập kỷ tại ba trung tâm thương mại lớn của châu Á trong năm 2003-2020.

Kết quả cho thấy trong khi thị trường chính của các sản phẩm liên quan đến vây cá mập là ở châu Á, các nước Liên minh châu Âu (EU) - dẫn đầu là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Italy - là những nhà cung cấp chủ chốt cho thị trường hợp pháp này. Trung Quốc là nhà cung cấp vây cá mập lớn nhưng không được đề cập trong nghiên cứu.

Tây Ban Nha cho đến nay là nguồn xuất khẩu vi cá mập hàng đầu cho Hong Kong, Singapore và Đài Loan, cung cấp 51.795 tấn năm 2003-2020, trung bình hàng năm là 2.877 tấn, báo cáo cho thấy. Cũng theo báo cáo, số lượng vây cá mập nhập khẩu trung bình hàng năm từ Tây Ban Nha của Singapore trong khoảng thời gian trên lên tới 17.006 tấn.

Một con cá mập được đưa lên tàu Nuevo Zumaya của Tây Ban Nha ở Đại Tây Dương. Các quốc gia EU bị cấm "khai thác vây cá mập" - cắt vây của cá mập sống và vứt bỏ xác trên biển - nhưng lại được phép bắt cá mập và đưa vào đất liền để cắt vây. Ảnh: Greenpeace.

Một con cá mập được đưa lên tàu Nuevo Zumaya của Tây Ban Nha ở Đại Tây Dương. Các quốc gia EU bị cấm "khai thác vây cá mập" - cắt vây của cá mập sống và vứt bỏ xác trên biển - nhưng lại được phép bắt cá mập và đưa vào đất liền để cắt vây. Ảnh: Greenpeace.

 

Báo cáo cho biết hơn 50% hoạt động buôn bán vây cá mập toàn cầu là ở Hong Kong, Singapore và Đài Loan.

Barbara Slee, tác giả báo cáo của IFAW, cho hay: “Các loài cá mập dù nhỏ hay lớn, ven biển hay ngoài khơi đều đang biến mất. Những nỗ lực quản lý đến nay vẫn không ngăn được sự suy giảm của chúng”.

Bà kêu gọi EU đóng vai trò chủ đạo bằng cách hạn chế buôn bán cá mập để bảo vệ loài động vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. IFAW muốn tất cả cá mập buôn bán được đưa vào danh sách trong Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites), điều này sẽ giúp chúng được bảo vệ và giám sát chặt chẽ hơn.

Các nước EU bị cấm "khai thác vây cá mập" - một hoạt động phi pháp ở nhiều khu vực pháp lý, trong đó vây bị cắt khi cá mập vẫn còn sống. Tuy nhiên, việc đánh bắt và buôn bán cá mập nguyên con được cho phép, ngoại trừ những loài trong danh sách của Cites.

Những con cá mập nhỏ ở chợ cá Catania tại Sicily. Ảnh: iStockphoto

Những con cá mập nhỏ ở chợ cá Catania tại Sicily. Ảnh: iStockphoto.

“Việc quản lý đánh bắt cá hiệu quả thường không được chú trọng cho đến khi số lượng sụt giảm xuống mức rất thấp hoặc bị đe dọa, nhưng khi điều đó được thực hiện, các quần thể cá mập đã cho thấy sự phục hồi”, bà Slee nói.

“Như đã chứng minh trong báo cáo của chúng tôi, EU là một bên đóng vai trò lớn trong thị trường cá mập toàn cầu và họ có trách nhiệm quan trọng trong việc ban hành các yêu cầu về tính bền vững”.

Cũng theo lời bà Slee, chỉ 1/4 sản phẩm vi cá mập chịu xuất nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp và bền vững.

Nghiên cứu - có tên “Cung và Cầu: Vai trò của EU trong hoạt động buôn bán vi cá mập toàn cầu” - cho thấy 188.368 tấn sản phẩm vi cá mập đã được nhập khẩu tại Hong Kong, Singapore và Đài Loan năm 2003-2020. EU là nguồn cung cấp 28% trong số đó, hay 53.407 tấn. Kể từ năm 2017, thương mại phần sụt giảm nhưng tới năm 2020, tỷ trọng xuất khẩu của EU sang các nước này đã tăng lên 45%.

Stan Shea, thuộc nhóm bảo tồn đại dương BLOOM Association Hong Kong, và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Mặc dù nhiều nước đặt gánh nặng thay đổi lên các quốc gia tiêu thụ, chủ yếu ở châu Á, tất cả quốc gia đều có các đội tàu đánh cá hoạt động quốc tế và buôn bán các sản phẩm từ cá mập”.

Báo cáo cũng phát hiện sự khác biệt về dữ liệu trong số liệu xuất nhập khẩu, cho thấy có khả năng xảy ra sai lệch trong buôn bán vây cá mập.

Bảo Châu- Báo mới

https://baomoi.com/phat-hien-moi-ve-nguon-goc-hang-chuc-nghin-tan-vay-ca...

 

 

 

Share: 

Tin tức khác