Việc đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế mà tôm thẻ chân trắng mang lại cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp và các nhà chuyên môn quan tâm.
Ông Trần Công Khôi - Phó vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản phát biểu tại HN.Ảnh: Thành Trung/BNEWS
Ngày 3/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hôi nghị "Nghiên cứu tác động về môi trường, dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long".
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là cần đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế mà tôm thẻ chân trắng mang lại cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
ông Lê Thanh Lựu - giám đốc ICAFIS, Ảnh SusV
Theo ông Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, ưu điểm của tôm thẻ chân trắng là mức độ thích nghi cao, đã được chọn giống nên có thể đạt 40 con/kg, thức ăn yêu cầu hàm lượng protein thấp, chu kỳ nuôi ngắn hơn tôm sú, có thể nuôi thâm canh và siêu thâm canh; bán phổ biến trên thị trường phù hợp với đại đa số người tiêu dùng trung bình.
Tuy nhiên, nuôi tôm thẻ chân trắng lại có nhiều thách thức như: giá thành sản xuất cao vì phải sử dụng tất cả các nguồn lực đầu vào (con giống, giá thức ăn, chế phẩm sinh học, lao động...). Đặc biệt, tôm thẻ chân trắng có mức độ cạnh tranh cao nhất vì hầu hết các quốc gia (trừ Bangladesh) đều lấy đối tượng này là chủ lực để tăng sản lượng và khối lượng xuất khẩu.
Trong khi đó, nếu so với tôm sú thì ít cạnh tranh hơn bởi hiện chỉ còn 6 nước cung cấp chủ yếu cho thị trường thế giới là Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Indonexia, Malaysia và Philippines...
Xét trên góc độ kinh tế, thị trường, sinh học và kinh nghiệm, ông Lựu cho rằng các hình thức canh tác có năng suất thấp thì nên ưu tiên thả tôm sú, đây là sự lựa chọn mang tính chiến lược cho trên 500.000 ha tôm rừng, tôm lúa, quảng canh.
Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu, thử nghiệm tiếp theo để so sánh đánh giá hiệu quả giữa tôm sú được gia hóa và tôm sú giống tự nhiên.
Đặc biệt, người nuôi tôm cần liên kết với nhau tạo thành các hợp tác xã, tổ hợp tác.. để từ đó tạo ra những sản phẩm đồng đều về kích cỡ, chất lượng... đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Ông Bùi Văn Điền - Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, hiệu quả của nuôi tôm thẻ chân trắng thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan như: gia tăng sản lượng cũng như xuất hiện nhiều mô hình nuôi thành công đem lại giá trị sản lượng và thu nhập cao.
Song thực tế phát triển nuôi tôm thẻ quảng canh và quảng canh cải tiến trong vùng chuyên canh tôm sú còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để đảm bảo nghề nuôi phát triển bền vững cần có các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, quản lý con giống sạch bệnh, hệ thống thủy lợi, công nghệ nuôi phù hợp cho từng vùng.
Ông Phan Thanh Lâm - Phó viện trưởng, Viên nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Ảnh SusV
Theo báo cáo của Viên nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, đến hết năm 2016, diện tích nuôi tôm mặn - lợ của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 638.000 ha và sản lượng là 566.000 tấn; trong đó, tôm sú với diện tích 566.000 ha, sản lượng 249.000 tấn; và tôm thẻ chân trắng với diện tích 71.420 ha, sản lượng đạt 293.000 tấn.
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 175.000 ha là mô hình tôm quảng canh cải tiến chuyên tôm từ đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển đổi. Hầu hết các hộ nuôi tôm là những hộ nhỏ lẻ, hoạt động độc lập và thiếu sự liên kết dọc (tham gia các tổ chức nông dân) và liên kết ngang (với các bên tham gia khác trong chuỗi).
Hiện nay, tôm thẻ chân trắng được xác định là đối tượng thủy sản quan trọng và có tiềm năng phát triển mạnh tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, tôm thẻ chân trắng có dư địa lớn và có khả năng tăng sản lượng và giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp./.
Bnews.