Nuôi tôm cần bền vững từ năng suất đến thị trường

Trong năm 2017, sự tăng trưởng của ngành tôm đạt trên 21% với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong ngành thủy sản Việt Nam và giúp cho ngành thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục 19% với tổng giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, do biến động thị trường tôm thế giới nên những tháng gần đây thị trường tôm Việt Nam cũng biến động mạnh, giá giảm sâu và chạm đáy. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng thì việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ cũng hết sức cần thiết để đảm bảo cho ngành tôm phát triển bền vững.

Đây chính là lý do dự án “Dự Án Phát Triển Chuỗi Giá Trị Sản Xuất Tôm Bền Vững – Công Bằng tại Việt Nam” tài trợ bởi EU, thực hiện bởi ICAFIS và  Oxfam tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyên Nông Bạc Liêu và tổ chức WWF Việt Nam tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao năng suất tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vào ngày 17, 18 tháng 5 năm 2018.

Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm trên 75% diện tích nuôi tôm của cả nước và cũng là nơi đóng góp chính vào sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Những năm vừa qua người nuôi đã có nhiều trao dồi kinh nghiệm, kỹ thuật và áp dụng khá thành công những mô hình sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, việc chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi giữa các mô hình còn chưa nhiều.

Diễn đàn là nơi quy tụ những chuyên gia đầu ngành, những người nuôi có kinh nghiệm lâu năm và những công ty với công nghệ tiên tiến. Chương trình diễn đàn được ban tổ chức dày công chuẩn bị gồm có:

  • Hoạt động thăm quan mô hình nuôi với công nghệ tiên tiến vào ngày 17/5/2018.

Hoạt động giành được sự quan tâm cao của người nuôi, các cơ quan nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật Chi cục thủy sản, Trung tâm khuyến nông vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa…

Khách thăm quan không những được trải nghiệm mô hình mà còn được trao đổi và được nhận những chia sẻ trực tiếp của chủ trại. Bên cạnh đó ban cố vấn kỹ thuật cũng được bố trí đi cùng và có những bổ sung kiến thức chuyên môn cho khách thăm quan học hỏi.

  • Diễn đàn khuyến nông@ ngành tôm 2018 vào ngày 18/5/2018

Diễn đàn quy tụ gần 500 đại biểu là người nuôi tôm, các nhà khoa học/chuyên gia, nhà quản lý và các công ty thủy sản nhằm chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm, kỹ thuật mới nhằm tìm ra được Giải pháp nâng cao năng suất tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và kết nối các bên trong chuỗi giá trị tôm. Đặc biệt diễn đàn có sự tham gia của ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trực tiếp tham gia chỉ đạo Diễn Đàn.

Diễn đàn được thiết kế với hai phần chính:

1) Phiên tham luận: Với các bài tham luận, chia sẻ của các chuyên gia, người nuôi thành công

Link chia sẻ tài liệu: http://icafis.vn/vi/thu-cam-dien-dan-khuyen-nong-nganh-tom-2018

2) Phiên tư vấn và chia sẻ: 

Tại phiên này, Ban tổ chức đã bố trí ban chủ tọa thúc đẩy thảo luận diễn đàn và bố trí ban cố vấn để tư vấn và giải đáp các câu hỏi của người tham dự.

Tại đây người nuôi đã trực tiếp mang tôm giống và tôm nuôi mẫu để trực tiếp quan sát và nhận được tư vấn trực tiếp của chuyên gia.

Đã có trên 40 câu hỏi thảo luận trao đổi tại Diễn đàn  với những tư vấn trực tiếp, đa chiều từ người nuôi – chuyên gia – công ty và nhà nghiên cứu…
Bên cạnh những nội dung về kỹ thuật các nội dung về thị trường, liên kết chuỗi để giữ vững thị trường…trong bối cảnh phát triển bền vững cũng được Diễn đàn thảo luận, mổ sẻ và có những khuyến cáo cho người nuôi.

  • Triển lãm mini

Một triển lãm nhỏ cũng được ban tổ chức bố trí để người nuôi có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm và có những tư vấn trực tiếp từ các công ty sản xuất, cung ứng…

Từ những thành công của Diễn đàn khuyến nông @ ngành tôm 2017, Diễn đàn tôm Việt 2017, Diễn đàn khuyến nông@ ngành tôm 2018, đại biểu tham dự và người nuôi mong muốn đây sẽ trở thành một sự kiện thường niên để “nhà tôm” có điều kiện gặp gỡ, trao đổi và trao dồi kinh nghiệm.

Vũ Thùy - ICAFIS

Share: 

Tin tức khác