Nông nghiệp tiếp tục được ưu tiên vốn, nhưng..

Nguồn : thesaigontimes.vn

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được Chính phủ ban hành đã bổ sung đối tượng được vay vốn cũng như nâng mức cho vay không cần tài sản đảm bảo lên gấp đôi … Đây là một tín hiệu vui, nhưng doanh nghiệp cho rằng mấu chốt lại nằm ở chỗ các ngân hàng thương mại có sẵn sàng mở hầu bao hay không

Theo thông cáo báo chí được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi đến TBKTSG Online hôm nay (10-6), đơn vị này đã chủ động đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định mới (Nghị định số 55/2015/NĐ- CP ngày 9-6-2015) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định số 41/2010/NĐ- CP (gọi tắt là Nghị định 41).

Thông cáo báo chỉ của Ngân hàng Nhà nước cho rằng một số quy định tại Nghị định số 41 đã không còn phù hợp với tình hình phát triển thực tế hiện nay, chẳng hạn do tác động của việc đô thị hóa nên người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nhưng lại không được tiếp cận chính sách của Chính phủ theo Nghị định 41; các quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm tại Nghị định 41 là 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại được thực hiện từ năm 2010 đã không còn phù hợp với quy mô và chi phí cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003 với nhiều thay đổi nhằm khuyến khích và phát triển mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã..., đòi hỏi có chính sách ưu đãi hơn về nguồn vốn để phục vụ phát triển các loại hình kinh tế này.

Trước những yêu cầu như trên, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Theo Nghị định mới này, người được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng có tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; mức cho vay không có tài sản bảo đảm được nâng lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện nay tại Nghị định 41.

“Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá..., cao hơn các lĩnh vực khác”, thông cáo báo chí của NHNN nêu rõ.

Ngoài ra, Nghị định 51 cũng thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao bằng việc các tổ chức tín dụng sẽ cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án hay phương án sản xuất, kinh doanh. Nghị định này cũng khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Bên cạnh đó, Nghị định 51 cũng quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác.

Song song đó, nghị định này quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.

Dù chính sách đã mở, nhưng vẫn có không ít nghi ngại về khả năng tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng.

Trao đổi tại hội thảo “Góp ý sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP và thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” được tổ chức hôm nay 10-6 tại Cần Thơ, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương khẳng định: “Chính sách tín dụng cho đến nay, ngoài việc có sự điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, thì không phải ai cũng có thể vay được vốn của ngân hàng đâu, nhất là đối với ngành thủy sản”.

Trong khi đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo này, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn ở ĐBSCL (không muốn nêu tên) cũng, cho rằng rất khó để tiếp cận được vốn của ngân hàng. “Cho dù Chính phủ có chỉ đạo, nhưng ngân hàng không cho vay, không thực hiện cũng đâu thể làm được gì họ đâu”, vị này khẳng định

Share: 

Tin tức khác