Ngư dân mòn mỏi chờ vay vốn

Tại hội thảo “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do” tổ chức tại Cần Thơ ngày 22/9, nhiều doanh nghiệp phản ánh nông dân không tiếp cận được tín dụng ưu đãi cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Mỏi mòn chờ tín dụng

Ông Nguyễn Quốc Khải ở Hợp tác xã nuôi tôm Tân Long, thành phố Cà Mau (Cà Mau) cho biết, nguồn vốn hầu như chỉ có các doanh nghiệp lớn tiếp cận được, còn nông dân nuôi tôm chỉ mong mỏi vay vài chục triệu đồng đầu tư nhưng không thể. Ông Thái Văn Đoàn, Giám đốc điều hành Cty nuôi tôm công nghệ cao ở Cà Mau nói rằng, vướng mắc hiện nay là nông dân có đất nhưng hơn 90% sổ đỏ ở trong ngân hàng nên không tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư nuôi. Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Cty TNHH SX&TM Trúc Anh ở Bạc Liêu cho biết thêm, mặc dù nông dân không tiếp cận được tín dụng ưu đãi nhưng không bỏ ao mà vẫn kiên trì bám nuôi vì có đại lý lo. Từ đó, nông dân phụ thuộc quá nhiều vào đại lý dẫn đến phải mua thức ăn, con giống giá cao. Ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê ở xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cũng đang mòn mỏi chờ vay 2 tỷ đồng mấy năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được. 

Ông Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, trên thực tế, chính sách của Chính phủ đề cập về cho vay chuỗi liên kết, hay cho vay liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp theo Nghị định 55 của Chính phủ. Tuy nhiên, quy định pháp lý chỉ có tính chất khung. Để quy định khung này có thể đi vào cuộc sống thì còn rất nhiều các quy định pháp lý đồng bộ khác từ các bộ, ngành. Cụ thể, ở đó các doanh nghiệp, hộ dân là những người tham gia trong chuỗi sẽ được hưởng quyền lợi và phải thực hiện trách nhiệm gì? 

Theo ông Hòe, Nghị định 55 mới mở ra 2 nội dung (mức vay tín chấp và việc cơ cấu lại nợ khi rủi ro dịch bệnh mất mùa trên diện rộng để cho vay tiếp) nhưng trên thực tế chưa yêu cầu cụ thể trách nhiệm các ngân hàng thương mại (NHTM) xây dựng chính sách, quy trình cụ thể cho vay chuỗi nông sản như thế nào. Trên thực tế không phải NHTM nào cũng cho vay một chuỗi giá trị khép kín mà hầu như mỗi NHTM, mỗi định chế tài chính phi ngân hàng tham gia cho vay các khâu khác nhau của chuỗi giá trị nông sản. “Phương án của chuỗi giá trị hay một hợp đồng liên kết chuỗi được hiểu như thế nào? Liên kết giữa các bên với nhau ra sao để vừa bảo đảm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay vốn theo khâu của chuỗi giá trị vừa củng cố phát triển chuỗi bền vững”- ông Hòe đặt vấn đề.

 TS Trần Ngọc Hùng, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1 (Bộ NN&PTNT) chỉ ra rằng, từ năm 2006 đến nay có gần 100 chính sách khác nhau nhưng đến với người dân, doanh nghiệp thì rất thấp. Cụ thể, nông dân được thụ hưởng 15% chính sách về thuế, còn doanh nghiệp thụ hưởng 25%.  “Người dân không kêu lãi suất cao nhưng chủ yếu họ kêu về khả năng tiếp cận tín dụng. Ví dụ như 1 ao nuôi tôm cần đầu tư khoảng 300 triệu nhưng thực tế chỉ vay được khoảng 40 triệu đồng”, TS Hùng nói. 

Liên kết đưa sản phẩm ra thế giới

PGS.TS Đỗ Thị Phi Hoài, Học viện Tài chính (Bộ Tài Chính) cho rằng, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu thực hiện theo tín hiệu thị trường ngắn hạn. Hệ quả là quan hệ cung cầu của thị trường nông sản nước ta luôn hoạt động trong tình trạng phập phù do cung không gặp cầu, nông sản không tìm được đầu ra và người nông dân rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi được mùa mất giá trong khi người tiêu dùng trong nước vẫn phải sử dụng sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. 

Điều này còn trở nên phức tạp do thách thức của hội nhập sâu rộng, nông sản Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi những quy định về cắt giảm thuế suất của các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức được áp dụng. “Nếu không được giải quyết, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể bị thất bại ngay trên chính sân nhà”, PGS.TS Hoài nhấn mạnh.

Theo bà Hoài, trước sức ép của hội nhập, nhu cầu liên kết ngày càng trở nên bức thiết. Chuỗi liên kết nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập bởi lẽ chỉ khi nông dân, doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng gắn kết với nhau trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ thì mới có thể gia tăng giá trị chuỗi nông nghiệp và đưa sản phẩm ra thế giới. “Chúng ta cần phải có hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó không thể không kể đến vai trò của các chính sách tài chính”, bà Hoài nhấn mạnh.

 Ông Trịnh Quang Tú, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chuỗi giá trị thủy sản hiện nay không ổn định và bền vững. Ông phân tích, các tác nhân (bên mua và bên bán) tham gia chuỗi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về lợi ích, trong đó bên mua thường áp đặt và hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Ông Tú nêu giải pháp là cần quy hoạch vùng nuôi sản xuất sạch và chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ phát triển liên kết dọc, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp đầu tàu với người nuôi đảm bảo đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thuế, tín dụng… để nâng cao tính minh bạch trên thị trường.

Theo Hoà Hội, Báo Tiền Phong

Share: 

Tin tức khác