Ngành tôm đuối sức

Người nuôi gặp khó khăn do tôm thường xuyên bị dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm sút là thực trạng đáng báo động

Ngày 25-5, ở TP Cần Thơ, tổ chức Oxfam phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS) và Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo về phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng.

Giá tôm sạch như không sạch

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nhìn nhận lần đầu tiên từ năm 2002 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm sút. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 7,9 tỉ USD, sang 2015 giảm còn 6,9 tỉ USD. Tình trạng sụt giảm này chủ yếu là trong ngành tôm. Năm 2014, xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD, năm 2015 giảm còn 3 tỉ USD.

Bà Nguyễn Lê Hoa, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Sản xuất tôm là nguồn thu nhập của khoảng 1 triệu người, trong đó 80% là người nuôi quy mô nhỏ. Ngoài ra, nó còn tạo việc làm cho gần 3 triệu lao động trong các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, sự bùng nổ của nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch trong những năm qua đã làm ô nhiễm nguồn nước ngọt, rừng ngập mặn bị tàn phá, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt… Người nuôi thua lỗ do tôm bị dịch bệnh, chất lượng giống và thức ăn không bảo đảm…”.

 

Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang hết sức khó khăn
Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang hết sức khó khăn

 

Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 (tỉnh Sóc Trăng), phản ánh: “Nhiều người cho rằng nuôi tôm nhỏ lẻ thua lỗ là đúng, còn chúng tôi làm trong HTX, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP cũng thua lỗ thì giải thích sao?”.

Theo ông Luận, công ty thu mua yêu cầu tôm phải có chứng nhận VietGAP. Vì vậy, HTX phải nuôi theo chuẩn VietGAP nhưng khi bán cho công ty, giá tôm sạch chỉ bằng tôm thường, trong khi chi phí nuôi cao hơn.

Nhiều người nuôi cho biết hiện nay, chất lượng con giống cũng như thuốc trị bệnh cho tôm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Người bán không chịu trách nhiệm khi con giống chết hay bị bệnh do cơ quan chức năng không có chế tài.

Cần tạo ra giá trị gia tăng

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ nhiệm Tổ hợp tác 30/4 (tỉnh Bạc Liêu), cho rằng nuôi tôm đòi hỏi vốn lớn nhưng những năm thua lỗ, nông dân không được ngân hàng cho vay tiếp do sổ đỏ đã thế chấp trước đó nên không thể nuôi lại, khó khăn càng chồng chất.

Ông Phạm Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, đề xuất ngành tôm nên hình thành 3 trục: Doanh nghiệp (DN) hoặc HTX tập hợp nông dân và quản lý nuôi từ đầu cho đến thu hoạch; trục đầu tư tài chính gồm các công ty cho thuê tài chính, nhà đầu tư… cho các đối tượng trong chuỗi vay; trục dịch vụ công gồm các ngành chức năng, cơ quan nghiên cứu… chứng nhận tôm sạch.

“Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần tổ chức lại ngành tôm theo chuỗi. Từ đó, ngân hàng sẽ cho vay theo chuỗi. Phải có bộ quy tắc để những người tham gia chuỗi ứng xử theo. Khi lợi ích giữa các đối tượng trong chuỗi bị xâm hại thì tòa án phân xử” - ông Hòa gợi ý.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM, nhận định: “Trung tâm khảo sát 100 DN thủy sản tại 3 miền và thấy năng suất thấp so với các nước trong khu vực. Trong đó, khoảng 70 DN có công nghệ từ trung bình đến thấp nên chi phí gấp đôi so với DN thủy sản ở Thái Lan. Ngoài ra, DN ít quan tâm xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing, ít tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng”.

Tài trợ 2,5 triệu euro cho 3 tỉnh

Tại hội thảo, ban tổ chức đã khởi động dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ 2,5 triệu euro. Dự án triển khai trong 4 năm (2016-2020) tại 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ông Alejandro Montalban, Tham tán công sứ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết ngoài hỗ trợ kỹ thuật, dự án sẽ cùng các bên liên quan tìm kiếm giải pháp giúp người nuôi, DN chế biến nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính, trong đó thúc đẩy các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi đàm phán thương mại.

Bài và ảnh: Ca Linh

Share: 

Tin tức khác