Khi con nghêu Bến Tre có “thương hiệu”

 Cảnh cướp nghêu, có súng nổ và có cả máu đổ trên các bãi nghêu đã từng diễn ra ở ven biển Bến Tre hơn 10 năm về trước. Nay thì vùng nuôi nghêu Bến Tre nổi tiếng với nông dân nuôi nghêu trong nước và các nhà kinh doanh nghêu thế giới.

Chế biến nghiêu hấp hút chân không xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát

Chia tiền bán nghêu cho trẻ mới sinh

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết toàn tỉnh có 4.000 ha nuôi nghêu và phần lớn thuộc 9 hợp tác xã quản lý theo mô hình cộng đồng duy nhất có ở ven biển Việt Nam, được chứng nhận của Hội đồng quản lý biển (Marine Stewardship Council - MSC) chục năm qua.

“Bến Tre là tỉnh có vùng nuôi nghêu duy nhất ở Việt Nam mà bán nghêu bằng hình thức hợp tác xã tổ chức đấu giá cho thương lái, đại lý, được cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cấp chứng nhận trước khi bán cho nhà máy”, ông Buội nói và cho biết, hàng năm sản lượng nghêu của tỉnh 4.500-5.000 tấn và con nghêu mang lại cho tỉnh này bình quân 75 tỉ đồng/năm, có năm trúng mùa lên tới 110 tỉ đồng. Nhưng quan trọng hơn tiền bán nghêu, theo ông, đó là bảo vệ và phát triển nguồn lợi bền vững cho cả cộng đồng và môi trường vùng nghêu.

Nói đến con nghêu Bến Tre thì ai cũng nhắc tới bà Trần Thị Thu Nga, người phụ nữ năm nay 64 tuổi, gắn bó với con nghêu hàng chục năm nay. Bà từng là phó giám đốc sở nông nghiệp tỉnh này, nay đã nghỉ hưu nhưng tiếp tục gắn bó với con nghêu trên cương vị Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre. Bà kể trước năm 2007, cũng vì quan niệm nghêu là của trời cho nên trên bãi nghêu xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng, nào cướp nghêu, đánh nhau, tranh giành, súng nổ… Năm 2006, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) hỗ trợ 100.000 đô la Mỹ cùng ngân sách địa phương để nông dân nuôi nghêu đánh giá và áp dụng chứng nhận MSC mang tính bền vững cho các bãi nghêu.

May quá, đây cũng là thời gian ngành nông nghiệp Bến Tre đang tìm cách củng cố lại các hợp tác xã nghêu theo hướng quản lý của cộng đồng sau một thời gian bết bát của kiểu hợp tác xã kinh doanh không hề phù hợp cho con nghêu.

“Có hợp tác xã nghêu tôi xuống đến 3 lần tổ chức đại hội mà không được, họ chửi nhau tán loạn, dân đập thùng phiếu bỏ về”, bà kể. Nay, lợi nhuận bán nghêu của các hợp tác xã sẽ để dành 20% trích lập các quỹ, còn 80% chia cho xã viên theo nhân khẩu, theo tiêu chuẩn mỗi cặp vợ chồng có 2 con, cứ dân trong xã có hộ khẩu là được chia phần. Vậy nên mới có chuyện đứa trẻ vừa sinh ra vẫn được chia tiền từ nguồn lợi con nghêu mang lại. Bà nói: “Giờ họ (ý nói các hợp tác xã nghêu) quản lý nhân khẩu, tử tuất còn chặt hơn cả chính quyền xã”.

Theo ông Buội, xã viên thường được chia lợi nhuận 5-6 triệu đồng/năm nhưng thu nhập mang lại chính cho xã viên là công lao động cào nghêu được phân chia minh bạch, được phát phiếu cào nghêu theo nhân khẩu, cào 1-2 tiếng  nhưng thu nhập hơn 300.000 đồng. Nghêu bán thì công khai, tổ chức đấu giá theo lô.

Nghêu có “thương hiệu”

Tuy hiện nay Bến Tre chưa đăng ký chỉ dẫn địa lý cho con nghêu nhưng mô hình quản lý cộng đồng bền vững song hành cùng áp dụng chứng nhận MSC đã phần nào giúp con nghêu Bến Tre có tiếng trong nước và quốc tế. Ông Trần Văn Chỉ (Bảy Chỉ), người nuôi nghêu nổi tiếng ở Gò Công, với hơn 20 ha, chỉ cách bãi nghêu Bến Tre cái cửa sông, khen: “Bên Bến Tre họ làm được chứ các nơi khác khó lắm, họ làm được là do cả xã cùng làm, còn như Gò Công hay Trà Vinh thì bãi nghêu của cá nhân, sao làm được”.

Nhưng để có “thương hiệu”, có giá bán luôn cao hơn nghêu các nơi khác 5.000-10.000 đồng/kg, người nuôi nghêu Bến Tre đã đi một chặng đường dài, từ việc tuân thủ các tiêu chuẩn của MSC trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, như vùng nào làm nghêu giống, thả giống mật độ ra sao, mùa sinh sản phải hạn chế khai thác để nghêu đẻ, hạn chế ghe đánh cá quanh các cửa sông gần bãi nghêu… Ngay cả khai thác nghêu giống cũng có quy định riêng, như 5.000 con tới 100.000 con do ngành nông nghiệp cấp phép, còn trên 100.000 con phải do UBND tỉnh cấp; các sự cố như ô nhiễm, tràn dầu, nghêu bị dịch bệnh, cách xử lý sự cố… đều phải cập nhật minh bạch, báo cáo MSC. Bà Nga cho rằng, MSC không phải là chiếc đũa thần giúp con nghêu có giá bán cao, mà cái quan trọng là nó mang lại nguồn lợi bền vững cho cộng đồng người dân sống trên nguồn lợi thiên nhiên ban tặng này.

Sau khi áp dụng MSC thành công ở quy mô hợp tác xã cho toàn tỉnh, Bến Tre bắt đầu thực hiện dự án kết nối chuỗi MSC CoC, bằng việc thực hiện mô hình gắn kết giữa hợp tác xã và nhà máy chế biến, thay vì bán nghêu qua trung gian. Ông Võ Thành Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát ở huyện Bình Đại, Bến Tre cho biết từ quí 2 năm nay, công ty thực hiện dự án chuỗi liên kết nghêu bền vững với Hợp tác xã nghêu Đồng Tâm ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.

“Lâu nay nhà máy của tôi có chứng nhận MSC chuỗi nhưng mua nghêu các hợp tác xã vẫn phải qua trung gian, nay theo dự án này, nhà máy mua trực tiếp theo giá thị trường, đồng thời hỗ trợ hợp tác xã bằng cách thuê xã viên khâu làm sạch, sơ chế nghêu ban đầu, tạo công ăn việc làm cho xã viên”, ông Hiệp nói. Hiện nay mỗi năm công ty ông Hiệp mua nghêu nguyên liệu 4.400 tấn, trong đó một nửa mua ở Bến Tre qua trung gian và ông cũng cho biết, nghêu Bến Tre được các nhà nhập khẩu đánh giá có chất lượng tốt và cũng là vùng nuôi nghêu có chứng nhận MSC hiếm hoi trên thế giới.

Theo ông Hiệp, xu hướng khách hàng nhập khẩu nghêu đòi chứng nhận MSC đang tăng lên, trước kia chỉ vài ba khách hàng thì nay, 25% khách hàng mua nghêu hấp hút chân không của công ty yêu cầu có MSC, nhất là khách hàng Mỹ, Đức, Pháp, Anh.

Từ ban đầu chỉ có nông dân, tiến thêm chút nữa là hợp tác xã tham gia, nay con nghêu Bến Tre đi theo mô hình cộng đồng cùng quản lý, cùng khai thác và tiến tới khép kín vùng nguyên liệu và chế biến, xuất khẩu.

Theo Hoà Tân, báo Kinh Tế Sài Gòn Online

Share: 

Tin tức khác