{ICAFIS_SUSV_GRAISEA 2} Khởi tạo thêm giá trị nhà tôm

Phát triển thuỷ sản nói chung, ngành tôm nói riêng những năm vừa qua có những bước tăng trưởng phát triển vượt bậc. Nhờ chuyển dịch đúng hướng, tổng sản lượng thủy sản đã tăng từ 5,92 triệu tấn (năm 2012), lên 7,2 triệu tấn (năm 2017), vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 trước gần ba năm; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản trong giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,4% so với năm 2012; tốc độ tăng thu nhập từ lĩnh vực thủy sản đạt 4,29%/năm, và đang từng bước hướng đến mục tiêu xuất khẩu tôm đạt mức 10 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên bên cạnh những thành công đạt được, ngành tôm cũng đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Một trong những khó thách thức đó là thúc đẩy các mô hình nuôi bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và giảm thiểu chất lượng môi trường. Từ những ngày đầu triển khai dự án “ Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam – SusV” và dự án Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á- Graisea 2”, trên địa bàn ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Ban quản lý dự án đã phối hợp cùng Sở NN&PTNT ba tỉnh, WWF, IPSARD, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 3, ĐH Cần Thơ…nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình nuôi bền vững, thân thiện với môi trường như: nuôi sử dụng nước quay vòng; nuôi luân canh tôm lúa; tôm bồn bồn; xen canh tôm cá rô phi…..

Về mặt môi trường, sinh thái, giảm thiểu dịch bệnh và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thì các mô hình nuôi bền vững đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng và phát triển bền vững thì vẫn gặp phải một số khó khăn:

+ Sản lượng nuôi thấp

+ Mùa vụ nuôi thường dài hơn nuôi theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh

+ Chỉ nuôi được 01 vụ/năm (mô hình tôm lúa)

+ Thu hẹp diện tích mặt nước nuôi do phải sử dụng một phần diện tích mặt nước cho ao xử lý nước/ao lắng

+ Các sản phẩm nuôi xen canh chưa có được thị trường hoặc bán với giá rất thấp: cá rô phi nước lợ, tôm càng, bồn bồn…

* Dư địa của thị trường thuỷ sản nội địa

Theo các chuyên gia, thị trường thủy sản nội địa đang có nhiều dư địa để phát triển khi mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo đầu người của Việt Nam đang tăng trưởng theo hàng năm. Dự kiến, đến năm 2020, mức tiêu thụ này có khả năng sẽ đạt 33 - 35 kg/người/năm.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây số người ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng, năm 2018 có tới trên 2000 người trên cả nước bị ngộ độc. Các vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm sạch, an toàn theo chuỗi…được người dân quan tâm nhiều hơn. Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Ban quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn để đánh giá và cấp chứng nhận cho các sản phẩm thực phẩm an toàn.

                                                                        

* SusV – GRAISEA 2: Biến thách thức thành giá trị

Những sản phẩm phụ bên cạnh tôm và tôm size nhỏ của người nuôi nếu tiêu thụ tại chính địa phương sẽ trở lên khó khăn bởi lượng cung đã có sẵn và khó phát sinh “nhu cầu” vậy nên các sản phẩm này chỉ bán được với giá rất thấp hoặc không bán được. Vậy nên đứng ở góc độ kinh tế thì việc duy trì các mô hình canh tác bền vững sẽ trở lên khó khăn bởi người dân phải hy sinh một phần diện tích để bảo tồn giá trị môi trường, sinh thái phục vụ cho nuôi tôm (diện tích thu hẹp, mùa vụ kéo dài, sản lượng ít…) và đây trở thành một “thách thức” không hề nhỏ cho dự án và địa phương trong thúc đẩy, nhân rộng mô hình nuôi bền vững với môi trường.

Nhưng đứng về góc độ thị trường và vùng sinh cảnh thì các sản phẩm này là một sản phẩm có giá trị cho người tiêu dùng tại các thành phố bởi hầu hết các sản phẩm này là tự nhiên, sinh thái và hạn chế dùng chất hoá học…tuy nhiên nếu để nguyên bản sẽ khó bán bởi kích cỡ nhỏ, bảo quản khó…

Vậy làm gì để các sản phẩm này tiếp cận được thị trường, khắc phục những yếu điểm hiện có và phát huy những điểm mạnh tiềm tàng – SẢN XUẤT SẢN PHẨM GIÁ TRỊ GIA TĂNG, đó là những ấp ủ được nung nấu của Ban quản lý dự án SusV, GRAISEA 2. Chúng tôi đã cùng đồng hành cùng người nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng sản xuất thử nghiệm – tiếp cận thị trường – cải tiến chất lượng – cải tiến bao bì – gặt hái thành công. Các sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm và bên cạnh tôm được thúc đẩy sản xuất:  Bồn Bồn, Chả cá rô phi nước lợ, Tôm chao (mắm tôm chua), chà bông (ruốc) tôm, Chà bông cá rô phi, bánh phồng tôm, khô cá rô phi nước lợ, gạo hữu cơ….Sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm và bên cạnh tôm của các HTX được kết nối thị trường trong nước Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…và được nhiều hệ thống liên kết, đặt hàng: Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội; Nông sản nhà quê; Đặc sản ĐBSCL; Đặc sản MêKong; Đặc sản Sóc Trăng….

Tại buổi lễ ký kết “Liên Kết Thị Trường Cho Sản Phẩm Giá Trị Gia Tăng” giữa Chuỗi Cửa Hàng Đặc Sản ĐBSCL, Sóc Trăng và HTX Nông Ngư Hòa Đê vào ngày 28 tháng 3 năm 2019, ông Mã Văn Hồng – giám đốc HTX Hoà Đê chia sẻ “Trước đây sản phẩm cá rô phi nước lợ của bà con HTX mặc dù được canh tác trên vùng sản xuất xuất lúa hữu cơ là rất sạch nhưng ăn không hết, bán không được đành phải bỏ đi, bây giờ với sự hỗ trợ của dự án chuỗi tôm SusV, GRAISEA 2,  bà con đã biết chế biến thành chả cá, chà bông cá, khô cá một nắng, và con tôm đất cũng được dùng làm bánh phồng tôm bán được với giá rất tốt, được sự ủng hộ của người tiêu dùng.  Các sản phẩm này đã được các hệ thống cửa hàng đặc sản, nhà hàng liên kết, tiêu thụ tạo thêm rất nhiều giá trị cho cộng đồng, không còn gì vui bằng”.

Niềm vui của bà con là niềm vui của chúng tôi, thành công của bà con là thành công của chúng tôi, sự ổn định và bền vững của bà con là sứ mệnh của chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn các cơ quan Ban ngành, Công ty, Nhà hàng, Cửa hàng…đã đồng hành cùng chúng tôi để tạo nên “giá trị” từ một “giá trị - bền vững”.

Vũ Thùy – ICAFIS

Xin ghé thăm chuỗi của hàng tại:

+ Đặc Sản Đồng Bằng Sông Cửu Long tại địa chỉ số 67 – 69, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Thới Bình, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

+ Đặc sản sạch tỉnh Sóc Trăng số 118 Lý Thường Kiệt, Khóm 3, Phường 1, TP Sóc Trăng

Share: 

Tin tức khác