Ông Nguyễn Mạnh Triều, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ và đầu tư Cửu Long- đơn vị xây dựng, vận hành sàn giao dịch tôm (https://cnsv.vn) - cho biết, mô hình hoạt động của sàn giao dịch tôm khác so với các website bán hàng thông thường, đó là đối với các website bán hàng được lập ra chủ yếu để giới thiệu và bán hàng hóa tự sản xuất ra bên ngoài.
“Còn sàn giao dịch tôm là website để người khác mua bán với nhau. Ở đây, có người nuôi tôm, nhà máy chế biến và người mua tôm trên sàn, trong đó, đặc biệt là sự tham gia của người nuôi tôm”, ông Triều cho biết.
Theo ông Triều, sàn giao dịch tôm còn cung cấp các tiện ích khác liên quan như cung cấp diễn biến giá cả; các thông tin phân tích thị trường, cung cầu và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại buổi giới thiệu hôm 5-4, Công ty cổ phần công nghệ và đầu tư Cửu Long và Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Icafis) thuộc Hội nghề cá Việt Nam (Vinafis) cũng đã ký biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác phát triển sàn giao dịch tôm này.
Việc hình thành sàn giao dịch này, ông Triều cho biết, sẽ giúp giải quyết được một bài toán khó cho ngành tôm là sản phẩm được giao dịch trực tiếp giữa người bán/mua, không phải qua các khâu trung gian như cách buôn bán truyền thống hiện nay. “Sàn này cũng mong muốn kết nối trực tiếp giữa các nhà máy chế biến đến các nhà nhập khẩu ở nước ngoài”, ông cho biết.
Ngoài ra, sàn giao dịch cũng giúp giải quyết việc thiếu thông tin cung/cầu thị trường thông qua các phân tích, đánh giá và nhận định về thị trường được cập nhật lên sàn. “Chính vì thấy những vướng mắc trong thực tế như vậy nên sàn giao dịch tôm thành lập nhằm giúp ngươi dân có thêm kênh bán hàng và bên nào có lợi nhất người nuôi tôm bán”, ông Triều nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Châu Trung Trực, Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết (Cà Mau) cho biết, cách thức mua bán hiện nay của người nông dân, đó là thương lái đến xem tôm, kiểm tra mẫu, nếu đạt chất lượng về dư lượng kháng sinh mới quyết định mua. Trong khi đó, giao dịch trên sàn, tức người mua quyết định mua dựa trên sản phẩm được chào bán. “Như vậy, nếu tôm không đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng thì sao?”, ông nêu vấn đề.
Liên quan việc này, trao đổi với TBKTSG Online bên lề buổi giới thiệu, ông Triều cho rằng, vấn đề này phải dựa vào "uy tín" của người mua và bán. Ở đây, khi đăng thông tin sản phẩm lên sàn sẽ phải công khai về chất lượng sản phẩm. “Khi người bán đưa thông tin lên, người mua nhìn thông tin phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thì họ “click” xác nhận mua”, ông cho biết và nói rằng khi đó sàn giao dịch sẽ gửi thông tin của người bán cho người mua và ngược lại.
Theo ông, khi hai bên đã có thông tin của nhau, thì người mua sẽ đến xem thực tế sản phẩm của bên bán. “Bước này là bước phải chấp nhận đối với hàng nông sản”, ông nhấn mạnh và cho rằng khi người mua đến xem hàng, nếu thông tin đưa lên và thực tế khác nhau, thì người mua có quyền hủy hợp đồng và người bán sẽ bị đánh giá tín nhiệm. “Còn ngược lại, nếu người bán đăng chính xác, mà ông mua đã xác nhận đơn hàng rồi, nhưng tìm cách thoái thác, thì sàn giao dịch sẽ đánh giá tín nhiệm của ông này và thậm chí mất luôn tiền cọc”, ông cho biết.
Ông Triều cho biết thêm, thời gian đầu hoạt động, sàn giao dịch sẽ miễn phí cho cho các bên tham gia, nhưng trong tương lai sẽ thu phí với mức có thể duy trì hoạt động của sàn. Sàn giao dịch tôm được giao dịch tại địa chỉ.
Theo Trung Chánh-