Năm 2019, tỉnh Bạc Liêu với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng khả năng tổ chức sản xuất theo mô hình Tôm – Lúa, tỉnh đã chủ trương triển khai Kế hoạch xây dựng thí điểm phát triển mô hình sản xuất Tôm – Lúa tại một số địa phương.
Theo thống kê, tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 137.257 ha (năm 2018). Với đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường, Bạc Liêu đã sản xuất theo mô hình luân canh Tôm sú – Lúa; Tôm càng xanh xen Lúa với diện tích 34.500 ha. Phần diện tích còn lại được bố trí nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp. Kết quả là, sau hơn 15 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất (từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản) cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình luân canh Tôm - Lúa khá cao so với các mô hình sản xuất độc canh truyền thống. Song kết quả này chưa thật sự bền vững và không tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, từng hộ dân riêng lẻ có xu hướng sản xuất theo tập quán địa phương dẫn đến sản lượng thấp, chi phí sản xuất cao, giá cả bấp bênh, giá bán thường thấp hơn giá trị thực tế của sản phẩm.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cùng với sự gia tăng dân số và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang làm thay đổi môi trường; Các khu vực sinh thái tự nhiên như rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn ven biển đã và đang bị thu hẹp, phân mảnh và suy thoái với tốc độ nhanh chóng; Những giá trị đa dạng sinh học và sinh thái đang mất dần... Tất cả những điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng (trong đó có tỉnh Bạc Liêu).
Hạn hán, triều cường và xâm nhập mặn đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất thủy sản và nông nghiệp. Nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu (như: Phước Long, Giá Rai, Hồng Dân, Vĩnh Lợi) luôn phải ứng phó với biến đổi khí hậu (nhất là sự xâm nhập mặn) gây hại trên cây lúa và làm thiếu nước cho hoạt động sản xuất nuôi tôm. Nước biển dâng đã khiến diện tích sản xuất lúa bị thu hẹp, làm suy giảm nghiêm trọng về sản lượng và chất lượng, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh lương thực toàn vùng, kéo theo nhiều thay đổi về mất cân bằng sinh thái, đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Mô hình Tôm - Lúa
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp; Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người nuôi tôm ứng dụng các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả cao; Tăng cường kiểm soát giống thủy sản, mầm bệnh, môi trường; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu “phát triển bền vững”. Mô hình canh tác Tôm - Lúa được tỉnh Bạc Liêu xác định là một trong các mô hình tiêu biểu giúp người dân (ở những vùng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu) sản xuất đạt hiệu quả hơn và thích ứng tốt hơn với mọi diễn biến của biến đổi khí hậu, giành những lợi thế để phát triển ổn định.
Theo đánh giá, tiềm năng mở rộng hệ thống canh tác Tôm - Lúa ở Bạc Liêu còn rất lớn, quy mô sản xuất có thể đạt đến 43.000 ha. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc sản xuất Tôm - Lúa tại Bạc Liêu, đó là người dân còn hạn chế về trình độ kỹ thuật, sản xuất còn manh mún, sản lượng đạt thấp, nên rất khó cho khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Hiện tại, sản phẩm chủ yếu được thu gom và bán cho thương lái nhỏ lẻ, người dân bị ép giá.
Đứng trước thực trạng đó, tỉnh Bạc Liêu đã xác định cần phải có Kế hoạch phát triển hệ thống canh tác Tôm - Lúa, song song với vấn đề quản lý thủy lợi, phục vụ hiệu quả cho vùng sản xuất Tôm - Lúa; Liên kết cung ứng đầu vào/ đầu ra cho vùng sản xuất. Đây là những nội dung cần thiết mà khi triển khai sẽ tạo ra sản phẩm Tôm - Lúa chất lượng cao, giúp người dân an tâm sản xuất. Tỉnh Bạc Liêu hy vọng và tin tưởng mô hình canh tác Tôm - Lúa sẽ tạo ra bước phát triển trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp chung của tỉnh, góp phần đáng kể vào việc xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành Trung tâm của ngành công nghiệp Tôm Việt Nam.
Hợp tác thực hiện Chuỗi giá trị Tôm - Lúa
Nhằm thúc đẩy phát triển mô hình Tôm - Lúa tỉnh Bạc Liêu theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”, hướng tới liên kết vùng Tôm - Lúa trên diện tích 5.000 ha với khoảng 5.000 hộ dân; Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển Chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam - SusV” (do Liên minh EU tài trợ), ngày 06 tháng 01 năm 2020 tại Nhà khách Hùng Vương (thành phố Bạc Liêu), Hội Nghề cá Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu đã đồng chủ trì tổ chức “Lễ ký kết Chuỗi giá trị Tôm - Lúa tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn Bồ Đề”. Cùng phối hợp tổ chức còn có Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu; Dự án GRAISEA, OXFAM Việt Nam và Tập đoàn Bồ Đề.
Tham dự Lễ ký kết có 100 đại biểu là lãnh đạo và đại diện của các đơn vị, tổ chức như: UBND tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải, Hồng Dân, Phước Long), Phòng Kinh tế thị xã Giá Rai và một số Sở ban ngành có liên quan tại Bạc Liêu; Tập đoàn Bồ Đề, ICAFIS, OXFAM, GRAISEA; Hội Nghề cá Việt Nam và Đại diện của các Hợp tác xã/ Tổ hợp tác, nông dân sản xuất theo mô hình Tôm - Lúa.
Liên kết chuỗi Tôm - Lúa trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Phát triển Chuỗi giá trị Tôm - Lúa trong bối cảnh biến đổi khí hậu đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty cung ứng đầu vào, doanh nghiệp thu mua, chế biến và những người trực tiếp sản xuất (đại diện là các Hợp tác xã/ Tổ hợp tác sản xuất theo mô hình Tôm – Lúa) cùng với sự đồng hành của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học kỹ thuật, sự hỗ trợ của Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đoàn thể các cấp.
Với mong muốn hợp tác phát triển Chuỗi giá trị Tôm - Lúa tỉnh Bạc Liêu; Liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, có trách nhiệm, theo hướng sản xuất tập trung, hướng dẫn người nông dân ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; Hỗ trợ kết nối sản phẩm đầu ra, hỗ trợ rủi ro trong sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, 04 chủ thể đã tham gia thỏa thuận - ký kết (gồm: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu; Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững; Tập đoàn Bồ Đề). Tất cả đã đồng ý ký kết hợp tác phát triển Chuỗi giá trị Tôm - Lúa tỉnh Bạc Liêu nhằm sản xuất tôm nuôi theo hướng bền vững, cung ứng sản phẩm đầu vào, hỗ trợ kết nối sản phẩm đầu ra, hỗ trợ rủi ro trong sản xuất và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tại “Lễ ký kết Chuỗi giá trị Tôm - Lúa tỉnh Bạc Liêu”, các đại biểu đã thống nhất nhận định: Việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ kỹ thuật và hợp tác toàn diện sẽ giúp tỉnh Bạc Liêu đạt được các mục tiêu cơ bản sau: (1) Giảm chi phí đầu vào (do người nuôi tôm được cung cấp sản phẩm đầu vào đảm bảo chất lượng với mức giá phù hợp); (2) Chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình sinh học; (3) Đầu tư có trách nhiệm; Hợp tác xây dựng vùng liên kết tôm sạch, có truy xuất nguồn gốc và hướng đến đạt được các tiêu chuẩn quốc tế; (4) Nâng cao năng suất, thu nhập cho người nuôi tôm; (5) Sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch/hữu cơ nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn; (6) Giảm thiểu áp lực lên môi trường (do các hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra); bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học; thích ứng biến đổi khí hậu; (7) Hỗ trợ thu mua sản phẩm đầu ra cho người nuôi tôm; Kết nối quảng bá sản phẩm của người nuôi với bên ngoài; (8) Đồng hành chịu rủi ro cùng người nuôi tôm; Có cơ chế hỗ trợ cho người nuôi khi gặp phải các biến cố ảnh hưởng đến việc nuôi tôm (9) Tạo chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa bền vững; (10) Hướng tới liên kết vùng Tôm - Lúa 5.000 ha.
Các đại biểu tham gia Lễ ký kết hy vọng rằng Liên kết chân thành, thiết thực, vì lợi ích chung của các bên sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững Chuỗi giá trị Tôm - Lúa tỉnh Bạc Liêu.
Theo Ngọc Thúy – FICen