{ICAFIS-SCBV} Nỗ lực đạt Chứng nhận bền vững MSC/ASC

Để góp phần chuẩn bị tốt công tác đánh giá Chứng nhận MSC/ASC cho nghề nuôi nghêu tại 03 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (vào các tháng 11/2021 và tháng 02/2022), Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kiến thức cho người sản xuất nghêu về những quy định của Chứng nhận bền vững MSC/ASC.

Nỗ lực đạt Chứng nhận bền vững MSC/ASC

Tuyên truyền, tập huấn tại Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang từ 06-20/10/2021

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động sản xuất của bà con nuôi nghêu tại 03 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang; đồng thời tác động đến tiến độ thực hiện dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu tại Việt Nam - SCBV".

Dự án SCBV đang được thực hiện bởi Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS). Trong khi nhu cầu về việc cập nhật các kỹ thuật, yêu cầu để chuẩn bị cho quá trình đánh giá và tái đánh giá Chứng nhận bền vững MSC/ASC của các Hợp tác xã đang rất cấp bách. Trước tình hình này, Ban quản lý Dự án SCBV đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn tổ chức các lớp tập huấn đào tạo trực tuyến với nội dung: Phát triển năng lực và hỗ trợ kỹ thuật đạt Chứng nhận MSC/ASC, tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU);thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 06 đến 20/10/2021 tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.

Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức cho người sản xuất nghêu tại các Tổ hợp tác/ Hợp tác xã về những quy định của chứng nhận bền vững: Chứng nhận ASC, Chứng nhận MSC phiên bản 5.0; đồng thời, nâng cao trách nhiệm sản xuất và kiến thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi, thực hiện các biện pháp đánh bắt chống IUU và cập nhật những quy định về Luật Thủy sản 2017. Bên cạnh đó, khóa tập huấn còn củng cố kiến thức cho Nhóm nòng cốt/ Nhóm thúc đẩy viên (tại các tổ nhóm, hợp tác xã nghêu trên địa bàn) nhằm chuẩn bị tốt cho công tác đánh giá cuối cùng đạt Chứng nhận MSC cho nghề nghêu tỉnh Tiền Giang (vào tháng 11/2021), tái đánh giá Chứng nhận MSC cho tỉnh Bến Tre (vào tháng 02/2022) và Chứng nhận ASC cho nghề nghêu tỉnh Trà Vinh.

“Nhóm thúc đẩy viên” gồm những người được lựa chọn tại cộng đồng phục vụ cho các hoạt động tăng cường quản lý thủy sản dựa vào cộng đồng. Là những người đã được đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, quản trị hợp tác xã; sau đó truyền đạt lại cho các thành viên của Tổ hợp tác/ Hợp tác xã.

Trong quá trình tập huấn, bên cạnh việc trao đổi và làm các bài tập thực hành liên quan đến bài học; học viên và giảng viên cùng thảo luận về những điểm còn thiếu của Tổ hợp tác/ Hợp tác xã đối chiếu trong quy định của Chứng nhận MSC phiên bản 5.0 và kế hoạch khắc phục, hoàn thiện để chuẩn bị cho lần đánh giá cuối cùng tại tỉnh Tiền Giang và tái đánh giá của tỉnh Bến Tre.

Đây là hoạt động tập huấn online đầu tiên được tổ chức tại các Tổ hợp tác/ Hợp tác xã nghêu. Phương thức học tập gần như khác hoàn toàn với truyền thống nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ,tham gia nhiệt tình và nhận được phản hồi tích cực của bà con nuôi nghêu dù còn thiếu thốn phương tiện, chỉ với những thiết bị học tập rất đơn giản từ những chiếc điện thoại cá nhân cho 2-3 người cùng ngồi học chung hay một chiếc máy tính xách tay cũng đủ cho 5-8 người cùng học tập. Khóa tập huấn đã thu hút gần 100 người là thành viên chủ chốt/ nhóm thúc đẩy viên tại Tổ hợp tác/ Hợp tác xã nghêu trên địa bàn 03 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

Những lợi ích khi đạt được Chứng nhận bền vững MSC/ASC

Phát triển thủy sản bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội. Góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi cũng như doanh nghiệp về sản xuất bền vững. Khẳng định với người tiêu dùng việc thủy sản đã được nuôi trồng theo phương pháp thực hành tốt và các sản phẩm thủy sản chế biến, phân phối, dự trữ có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn ASC, MSC đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, dễ dàng thâm nhập vào siêu thị, nhà hàng cao cấp hay xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trên bao bì sản phẩm có dán nhãn Chứng nhận ASC, MSC giúp người tiêu dùng nhận biết đây là sản phẩm an toàn, có trách nhiệm về môi trường, xã hội.

hinh_4_0.jpg


Mục đích chính của MSC: Dựa vào các nguyên tắc và tiêu chuẩn về đánh bắt bền vững, các công ty tư vấn giám sát đánh giá cấp chứng nhận độc lập, có thể chứng nhận cho các công ty khai thác thủy sản trên cơ sở tự nguyện. Sản phẩm thủy sản sử dụng nhãn hiệu của MSC đảm bảo được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác có trách nhiệm. Hiện nay, MSC là một trong số các loại nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới.Chứng nhận MSC là chứng nhận do Hôi đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council - MSC) cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên; “một đơn vị nghề cá” hiểu theo cách đơn giản nhất là một tàu hay một nhóm tàu cùng nghề. Hội đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council - MSC) là một tổ chức quốc tế phi chính phủ được thành lập để khuyến khích các vùng khai thác thủy sản bền vững và thực hành nghề cá có trách nhiệm trên toàn thế giới thông qua các giải pháp thị trường dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu cả về môi trường và thương mại.

Lợi ích của sản phẩm đã được chứng nhận MSC: Trong bối cảnh xúc tiến thương mại thủy sản ở Việt Nam gặp khó khăn thì chứng nhận MSC có giá trị như một giấy thông hành, đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Sản phẩm mang nhãn hiệu MSC sẽ được khách hàng quan tâm tiêu thụ với giá cả, thị phần cao hơn. Ngoài việc tăng năng suất, chất lượng bảo quản, nếu chứng minh được cộng đồng tham gia khai thác có trách nhiệm, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên thì giá nguyên liệu thủy sản và giá thành phẩm sẽ tăng lên.

03 nguyên tắc căn bản để đạt được Chứng nhận MSC:

Nguyên tắc 1 - Nghề cá phải được tiến hành theo cách thức không gây ra tình trạng khai thác quá mức hoặc cạn kiệt quần thể của đối tượng khai thác. Nếu có sự suy giảm hoặc bị cạn kiệt của quần thể, nghề cá phải được tiến hành theo cách thức hướng tới sự khôi phục của quần thể đó.

Nguyên tắc 2 - Hoạt động khai thác phải đảm bảo duy trì cấu trúc, sức sản xuất, chức năng và sự đa dạng của hệ sinh thái (gồm sinh cảnh và các loài phụ thuộc, có liên quan về mặt sinh thái) mà nghề khai thác phụ thuộc vào

Nguyên tắc 3 - Nghề cá phải được đặt trong một hệ thống quản lý hiệu quả, tôn trọng luật pháp và tiêu chuẩn của địa phương, quốc gia và quốc tế, có một khuôn khổ về thể chế và hoạt động chặt chẽ đòi hỏi phải sử dụng nguồn lợi một cách có trách nhiệm và bền vững.

Những việc cần làm để có được chứng nhận MSC: Đánh giá tính bền vững của nghề khai thác theo các tiêu chí để đảm bảo 03 nguyên tắc căn bản của MSC. Lập kế hoạch/ chiến lược phát triển bền vững theo các tiêu chí còn ở mức thấp, duy trì và phát triển các tiêu chí đã đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết quản lý nghề cá, lấy tổ chức cộng đồng đang khai thác làm hạt nhân, kêu gọi ý thức trách nhiệm từ các bên liên quan (gồm: cơ quan quản lý nghề cá, các Viện, Trường, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu, các đại lý thu mua, các doanh nghiệp dịch vụ hậu cần…), hỗ trợ điều tra xác định nguồn lợi, qui hoạch phân khu chức năng, xây dựng khung pháp lý, tập huấn đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng, phân cấp giao quyền cho cộng đồng tham gia hoạch định và quản lý khai thác có trách nhiệm.

Chứng nhận ASC

ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản). Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn ASC dựa trên 04 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. 

Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. ASC đang có những bước tiến bộ vượt bậc trong việc hướng đến mục tiêu để trở thành chương trình chứng nhận và dán nhãn hàng đầu thế giới đối với các loài thủy sản nuôi có trách nhiệm. ASC đưa sản phẩm thủy sản an toàn từ các trại nuôi ra thị trường, đồng thời hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội.

ASC xây dựng hai tiêu chuẩn thành phần: Tiêu chuẩn trang trại (áp dụng cho các trang trại nuôi trồng thủy sản) và tiêu chuẩn chuỗi hành trình (áp dụng cho các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối).

Nghề khai thác nghêu ở Bến Tre nhận chứng nhận MSC đầu tiên của Đông Nam Á

Ở Bến Tre, khi nghề khai thác nghêu được đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn MSC (tháng 11/2009) thì thị phần xuất khẩu đã liên tục mở rộng qua từng năm và giá bán nghêu nguyên liệu tăng lên đáng kể. Doanh số của các Hợp tác xã tăng nhanh; đời sống của cộng đồng ngư dân ngày càng được nâng cao, gắn liền quyền lợi với trách nhiệm của họ. Điều này đã khuyến khích cộng đồng ngư dân không ngừng tăng cường, củng cố các giải pháp bảo vệ ngư trường phát triển bền vững và cung cấp nguồn nguyên liệu có giá trị cho các nhà máy chế biến xuất khẩu với sản lượng tăng và giá bán cao hơn.

Ngọc Thúy – FICen

https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/nu%C3%B4i-tr%E1%BB%93ng-th%E1%BB%A7y...

Share: 

Tin tức khác