BỐI CẢNH
Tôm nước lợ, bao gồm Tôm sú (P. monodon) và Tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) là đối tượng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong gần hai thập kỷ, với chủ trương thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (NQ 09/2000/NQ-CP), sự bùng nổ thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới, và đặc biệt là sự thành công trong công nghệ sản xuất giống tôm nhân tạo, nghề nuôi tôm nước lợ của Việt Nam có bước tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành thủy sản cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm về nuôi tôm nước lợ của cả nước, tương ứng chiếm trên 90 % diện tích và 80 % sản lượng. Nuôi tôm nước lợ của vùng phân bố dọc theo 8 tỉnh ven biển với sự đa dạng về các hình thức canh tác như nuôi chuyên canh (quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh) hay nuôi kết hợp (tôm-lúa và tôm-rừng). Sự phát triển mạnh của nghề nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL trong thời gian qua góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là các vùng nông thôn ven biển. Nuôi tôm nước lợ cũng đã giải quyết việc làm cho trên 1,35 triệu người dân vùng ĐBSCL (TCTS, 2015).
Trong năm năm trở lại đây, ngành sản xuất tôm Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó biến đổi khí hậu (BĐKH) với diễn biến bất thường của thời tiết làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi tôm nước lợ ở vùng ĐBSCL. Hiện tượng El Nino cuối năm 2015, đầu năm 2016 gây khô hạn và xâm nhập mặn gần 40% diện tích vùng ĐBSCL đã gây thiệt hại trên 81.000 ha nuôi tôm tại 8 tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL (Tổng cục thủy sản, 2016), nơi chủ yếu là ở vùng nuôi quảng canh cải tiến chuyên tôm và tôm-lúa. Cà Mau là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, tiếp đến là Kiên Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Bên cạnh đó, gia tăng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và sản xuất có trách nhiệm, đặc biệt là yêu cầu chứng nhận thực phẩm từ các thị trường nhập khẩu làm gia tăng áp lực đối với các hộ nuôi cũng như các doanh nghiệp chế biến do chi phí sản xuất gia tăng, là những thách thức lớn đối với sản xuất và tiêu thụ tôm vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây của ICAFIS và dự án chuỗi tôm SusV phần lớn người nuôi tôm tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau chưa có nhiều kinh nghiện trong ứng phó với BĐKH cũng như có các mô hình nuôi tôm thông minh, thích ứng với BĐKH.
Trong khuân khổ dự án "Lồng ghép giới trong chuỗi giá trị tôm - GRAISEA 2" Trung tâm HTQT nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS), OXFAM tại Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu tổ chức "HỘI THI SÁNG KIẾN MÔ HÌNH NUÔI TÔM THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU"
Đơn vị tổ chức: Trung tâm ICAFIS, dự án GRAISEA.
Đơn vị phối hợp: Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu (Chi cục thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu)
Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Bồ Đề, OCIALIS, Dr Tôm...
MỤC ĐÍCH HỘI THI
Hội thi được tổ chức nhằm mục đích:
+ Nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng về BĐKH
+ Thúc đẩy các sáng kiến, mô hình nuôi tôm thích ứng với BĐKH dựa trên kinh nghiệm và tri thức cộng đồng.
HÌNH THỨC TỔ CHỨC
Hội thi được tổ chức theo hình thức trò chơi, sống động, thúc đẩy sự tham gia và thúc đẩy những sáng kiến,tri thức từ cộng đồng,dự kiến với 03 phần chính:
+ Phần 1: Nhà tôm thông thái - Biến đối khí hậu từ góc nhìn nhà tôm
+ Phần 2: Người bạn thiên nhiên - BĐKH và nuôi tôm
+ Phần 3: Nhà bác học tôm - Mô hình nuôi tôm thích ứng BĐKH "sáng kiến từ cộng đồng"
NGƯỜI CHƠI
Người chơi là người nuôi tôm (Nam và Nữ) tại các vùng nuôi tôm thuộc tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu
BAN GIÁM KHẢO
+ Chuyên gia Đại học Cần Thơ
+ Chuyên gia thuộc Chi cục thuỷ sản, Trung tâm khuyến nông tỉnh
+ Chuyên gia dự án GRAISEA - ICAFIS
GIẢI THƯỞNG
Người chơi và các đội chơi có cơ hội nhận được các phần quà từ các đơn vị đồng hàng và tư vấn hoàn thiện mô hình, cũng như có những cơ hội được hợp tác đầu tư mô hình.
Thông tin liên hệ:
Các đơn vị quan tâm mong muốn đồng hành cùng chương trình xin vui lòng liên hệ
Ông Đinh Xuân Lập - Phó giám đốc ICAFIS, Email: lap.dinhxuan@icafis.vn, Điện thoại: 0985.024.307
"ICAFIS khơi nguồn sáng tạo cùng cộng đồng"