Hội Nghề cá Việt Nam đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam

Ngày 28/12/2022, Hội Nghề cá Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nghề cá Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027.

Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam và các tổ chức hội thành viên đã phát huy và thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và nông-ngư dân.

hnc2_0.jpg

Hội Nghề cá Việt Nam đã có những kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản, chăm lo đời sống người sản xuất và ngư dân, kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi của ngư dân khi bị xâm phạm.

Đồng thời, động viên, hướng dẫn hội viên và nông-ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong nhiệm kỳ V, Hội Nghề cá Việt Nam cần đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân, người nuôi thủy sản, các nhà khoa học và chính quyền các cấp.

Đổi mới hoạt động của hội, tiếp tục góp phần thúc đẩy nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập với khu vực và thế giới trong bối cảnh, điều kiện mới.

hnc4.jpg

Từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, Hội Nghề cá Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân nâng cao nhận thức cam kết cùng cộng đồng, đồng hành hệ thống chính trị để sớm gỡ “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC).

Hội tiếp tục tham gia xây dựng và phản biện các định hướng chiến lược, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển thủy sản; tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản, hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết nhiệm kỳ 4 (2017-2022), hội tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức với hàng trăm nghìn hội viên cá nhân, 32 tỉnh hội thành viên, trên 80 đơn vị hội viên tập thể.

Với nhiệm vụ quan trọng của hội, từ trung ương hội đến các hội thành viên đã phát huy được vai trò và tác dụng trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và ngư-nông dân. Hội đã đi sâu đi sát, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của hội viên, của nông-ngư dân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của nông-ngư dân.

Nhiều ý kiến đã được đề xuất đến các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông-ngư dân, nhất là các kiến nghị liên quan nhiều đến lĩnh vực khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản và chế biến, dịch vụ thủy sản, tháo gỡ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Hội cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với các cơ chế, chính sách đầu tư và tín dụng cho đánh bắt xa bờ, nuôi tôm, cá tra, mua bảo hiểm, dạy nghề, giao đất, hỗ trợ giống, thức ăn.

hnc1.jpg

Bên cạnh đó, hội xác định vai trò quan trọng trong việc tham gia góp phần đẩy mạnh sản xuất thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch của ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động và cộng đồng ngư dân.

Các tổ chức hội từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị đã chủ động phối hợp hành động, góp phần đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của ngành thủy sản.

Các cấp hội đã góp phần tham gia xây dựng và tổ chức trên 4.000 tổ đội sản xuất trên biển, phối hợp tuyên truyền để ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá.

Hội đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và nhiều chính sách khác.

Nhiều hoạt động tích cực của các cấp hội nhằm đẩy mạnh nghề nuôi như thành lập nhiều chi hội ngành nghề chuyên sâu; tham gia xây dựng quy hoạch vùng nuôi; chủ động tổ chức lại sản xuất gắn với đồng quản lý; tham gia giải quyết các vấn đề về vốn, giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, chú trọng nuôi các đối tượng chủ lực tạo giá trị gia tăng cao cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; nuôi đa dạng các đối tượng có lợi thế ở địa phương. Nhiều hộ gia đình và địa phương đã làm giầu từ nuôi thủy sản.

Những đóng góp của Hội Nghề cá Việt Nam đã góp phần đưa tổng sản lượng thủy sản cả nước năm 2022 ước đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Chu Hồi, nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Nghề cá Việt Nam tích cực, chủ động tham gia góp phần xứng đáng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu của ngành thủy sản đến 2030. Tham mưu tư vấn và hỗ trợ để ngư dân hỗ trợ lẫn nhau sản xuất hàng hóa và ứng xử với các tình huống xấu như thiên tai, nhân tai, để hoàn thiện hiện đại hóa nghề cá.

Hội tăng cường hợp tác và mở rộng hội nhập phải nhằm mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh nghề cá đạt hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Tại đại hội,tất cả các đại biểu đã chính thức thông qua đổi tên Hội Nghề cá Việt Nam thành Hội Thủy sản Việt Nam.  Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhiệm kỳ IV  tiếp tục tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam/.

Bài viết Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+), ảnh - Tạp chí Thủy sản

Share: 

Tin tức khác