Chứng nhận ASC đầu tiên trên thế giới được trao cho sản phẩm ngao trắng Meretrix Lyrata của Việt Nam

Ngày 15/12/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định (Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định) đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Lễ công bố Chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretrix Lyrata. 

Chứng nhận ASC đầu tiên trên thế giới được trao cho sản phẩm ngao trắng Meretrix Lyrata của Việt Nam

Đến tham dự Lễ công bố Chứng nhận ASC có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, ông Tạ Quang Ngọc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản), ông Nguyễn Phùng Hoan (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định), ông Lê Thanh Lựu (Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững), ông Nguyễn Hồ Nguyên (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam) và các lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Đài Truyền hình Nam Định; Và đại diện các hộ nuôi ngao.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã thể hiện niềm vinh dự, tự hào khi sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung và ngao của Việt Nam nói riêng đã giành được thành quả to lớn trong điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam đang gặp nhiều điều kiện bất lợi (dịch bệnh Covid-19, bão lũ, xâm nhập mặn, dịch tả lợn…) nhưng tất cả các chỉ tiêu đều đạt ngoạn mục, trong đó, thủy sản 2020 ước đạt 8,45-8,5 triệu tấn, giá trị ước đạt 8,6 tỷ USD. Theo Thứ trưởng, đây là thời kỳ khó khăn, thách thức nhưng đầy dấu ấn. Thứ trưởng tin rằng Việt Nam sẽ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trên thế giới và có những bước đi rất nhanh. Đối với tỉnh Nam Định, lãnh đạo Bộ rất ấn tượng vì đây là tỉnh đầu tiên được công nhận Nông thôn mới, có nhiều mô hình thành công và lan tỏa. Ngành Nuôi trồng thủy sản cần thực hiện đồng bộ các khâu (từ sản xuất giống, thức ăn thủy sản, nuôi dưỡng…). Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Mọi việc phải có kế hoạch rõ ràng, không chỉ hô khẩu hiệu rồi để đấy. Giai đoạn nào làm việc gì thì phải quyết tâm hoàn thành dứt điểm việc đó. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cùng các đơn vị của Bộ, phối hợp với các Sở và các doanh nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ. Công nghệ sản xuất giống thủy sản (trong đó có sản xuất nghêu giống) sẽ được ưu tiên, tập trung.

Nghề nuôi nghêu/ngao Meretrix Lyrata

Ở Việt Nam, nghề nuôi nghêu/ngao Meretrix Lyrata có nguồn gốc từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã được nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển. Trong những năm qua, đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ về diện tích và sản lượng nuôi cũng như mức độ thâm canh, vươn lên trở thành một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm, cá tra, cá rô phi) và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc… Năm 2019, diện tích nuôi nghêu và các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ ước khoảng 41.200 ha với tổng sản lượng gần 370.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 93,642 triệu USD, trong đó sản phẩm nghêu chiếm 63 triệu USD. Khi nghề nuôi nghêu được đưa vào phát triển, đã khai thác hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành ngao/nghêu thời gian vừa qua đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và những yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu với các hệ thống chứng nhận dày đặc. Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, đã đặt ra cho Việt Nam yêu cầu phải phát triển bền vững, sản xuất theo hướng đạt được các chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và thúc đẩy các chương trình, dự án tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành Ngao Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Việt Nam đã tham gia 13 FTA và đang đàm phán 03 FTA 

Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa; Đồng thời là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn khi những thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa làm hài lòng các nước về mức độ cam kết. Số lượng FTA trên thế giới tăng nhanh chóng, theo thống kê của WTO, tính đến ngày 17/01/2020, đã có tổng cộng 303 hiệp định có hiệu lực trong số 483 hiệp định được các nước thông báo tới WTO. Đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực và hiện đang đàm phán 03 FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô (Chi-lê) và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Đối với Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu (đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh). Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi Hiệp định EVFTA đã gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán. Ngày 08 tháng 6 năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Tất cả các Hiệp định như CPTPP, EVFTA… đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho ngành Thủy sản nói chung và ngành hàng Ngao nói riêng. Để nắm bắt cơ hội thị trường, cũng như tham gia thị trường trên diện rộng thì thực hành sản xuất bền vững và gắn kết theo chuỗi luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp thủy sản và cũng là xu hướng chung của thị trường. Theo thống kê, mỗi năm, ngành Thủy sản đã đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP). Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, ngao (nghêu) là một trong 04 sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực của Việt Nam. Tại Nam Định, ngao được xác định là mặt hàng chủ lực của địa phương.

Chuỗi giá trị ngao theo ASC tỉnh Nam Định

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 72 km bờ biển, 03 cửa sông lớn chảy ra biển, tạo nên vùng bãi triều rộng lớn hàng chục nghìn ha, chất đáy chủ yếu cát bùn, hàm lượng muối khoáng cao, chế độ nhật triều ổn định, thời gian phơi bãi từ 5-8 giờ/ngày là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi nhuyễn thể, nhất là phát triển nuôi ngao/nghêu (ngao Bến Tre và ngao dầu). Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã quan tâm, tạo điều kiện phát triển nghề nuôi ngao tại một số xã cửa sông ven biển với tổng diện tích nuôi ngao toàn tỉnh khoảng 2.200 ha; Trong đó tập trung tại huyện Giao Thủy khoảng 1.600 ha và huyện Nghĩa Hưng 600 ha. Ngao được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hàng năm, sản lượng thu hoạch ngao thương phẩm đạt trên 35.000 tấn. Ngao Nam Định được tiêu thụ dưới hình thức xuất khẩu tươi sống tiểu ngạch và cung cấp cho các nhà máy chế biến - xuất khẩu gần 70% sản lượng; tiêu thụ tại các siêu thị và thị trường trong nước chiếm khoảng 30%. Nghề nuôi ngao đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu cho rất nhiều người dân ven biển. Đối tượng nuôi chính là ngao trắng Meretrix Lyrata (chiếm 85%), ngao dầu bản địa và các loài khác (chiếm 15%). Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành hàng ngao đã tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến có được các chứng nhận quốc tế và đa dạng hóa sản phẩm.

Để hướng tới kinh doanh cùng người sản xuất quy mô nhỏ, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho ngành Ngao tỉnh Nam Định nói riêng và Ngao Việt Nam nói chung, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) và các cơ quan, ban ngành địa phương, UBND tỉnh Nam Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam triển khai Dự án “Chuỗi giá trị ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam”.

Chứng nhận ASC cho sản phẩm ngao Meretrix Lyrata

Chứng nhận ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất về nuôi trồng thuỷ sản bền vững được thiết lập bởi WWF và IDH vào năm 2010. Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên 4 nền tảng chính là Môi trường, Xã hội, An sinh động vật và An toàn thực phẩm. Đến nay, Chứng nhận ASC đã có 8 bộ tiêu chuẩn cho 12 đối tượng thủy sản nuôi, trong đó có sản phẩm nghêu. Tính đến nay, ước khoảng trên 700 trại nuôi/vùng nuôi của hơn 40 quốc gia trên thế giới đã đạt được Chứng nhận ASC cho các sản phẩm nuôi (gồm các trại nuôi/vùng nuôi ở châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Úc và châu Phi). Có thể thấy, những sản phẩm đạt Chứng nhận ASC đều được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Châu Âu.

Theo ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS): Kết quả khảo sát đánh giá của ICAFIS cho thấy Chứng nhận ASC được nhiều nhà thu mua ngao/nghêu ưa chuộng, chọn đặt hàng cho các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc. Thị trường Nhật Bản còn giành một ưu tiên đặc biệt cho các sản phẩm thuỷ sản đạt chứng nhận bền vững ASC, MSC tại Thế vận hội Mùa hè 2020 (sẽ tổ chức vào năm 2021). Đây là một cơ hội lớn để sản phẩm nghêu ASC của Việt Nam bày bán và ra mắt cộng đồng quốc tế trong một sự kiện lớn quy mô toàn cầu.

Ngày 22/8/2019, Lễ ký kết Liên kết chuỗi Ngao theo ASC đã được tổ chức, ghi nhận mốc son quan trọng - NÂNG TẦM NGAO VIỆT. Đặc biệt, sau hơn một năm nỗ lực cố gắng của Lãnh đạo và tập thể cán bộ công ty Lenger Việt Nam với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Nam Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Trung tâm ICAFIS, RECERD, “Vùng nuôi liên kết công ty Lenger Việt Nam” đã vinh dự là đơn vị Đầu tiên tại Việt Nam và Đầu tiên trên thế giới đạt được Chứng nhận ASC cho sản phẩm nghêu/ngao (Meretrix Lyrata). Thành quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần Định danh sản phẩm nghêu/ngao Việt Nam trên trường Quốc tế, nó được ví như “Visa Vip” để sản phẩm nghêu/ngao Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, giúp thương hiệu nghêu/ngao Việt Nam bay cao, bay xa trong bầu trời hội nhập.  

Tại buổi lễ công bố Chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretrix Lyrata Nam Định năm 2020, ông Sofiane Ainseur thuộc Control Union (Tổ chức chứng nhận quốc tế) đã phát biểu: Để đạt được Chứng nhận ASC, nhất định phải thực hiện tốt công tác bảo vệ tự nhiên, môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, sự đa dạng sinh học và quần thể tự nhiên, sử dụng có trách nhiệm các nguồn lợi tự nhiên, đảm bảo không dịch bệnh, đảm bảo trách nhiệm xã hội (không sử dụng lao động trẻ em). Những điều này rất thách thức và khó khăn, nhưng ngư dân Việt Nam đã cam kết thực hiện (nhất là được sự hỗ trợ của Chính quyền địa phương). Đoàn thanh tra của Control Union nhận thấy, ngư dân Việt Nam đã tuân thủ chặt chẽ cam kết giữa công ty và người nuôi, giúp đoàn thanh tra dễ dàng kiểm soát, thẩm định, đánh giá.

Lenger Việt Nam – Đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt được Chứng nhận ASC cho sản phẩm ngao Meretrix Lyrata

Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam – LSV) là công ty có 100% vốn nước ngoài, do Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan làm chủ đầu tư, với hơn 90 năm hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thu mua, chế biến, kinh doanh và phân phối các loại hải sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tôm và mực. Tập đoàn có hơn 16 nhà máy chế biến khắp châu Âu. Qua gần một thế kỷ, Lenger Vietnam luôn nỗ lực sáng tạo, phát minh ra những công nghệ chế biến sản phẩm chất lượng cao, phù hợp khẩu hiệu Taste of Excellence (Hương vị Hoàn hảo). Ở từng khâu, từ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, dịch vụ… tất cả đều phải hoàn hảo.

Mục tiêu hàng đầu của Lenger Việt Nam là sản xuất ra các sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Lenger Việt Nam luôn tìm kiếm và không ngừng cải thiện quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đạt giá trị dinh dưỡng cao, chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Tại Việt Nam, mặt hàng nghêu của Lenger cũng có mặt tại các hệ thống siêu thị Citimart, K-Mart, Intimex, Vinmart, Lotte… Bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, Lenger Việt Nam vẫn mong muốn có được các nguồn cung cấp sản phẩm nghêu sạch và an toàn, bền vững. Hiện thế giới có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm có chứng nhận MSC/ASC. Vì vậy, mặt hàng nghêu đạt Chứng nhận MSC cũng chính là một trong những mục tiêu mà Lenger Việt Nam hướng tới. 

Phát biểu để kết thúc buổi lễ công bố Chứng nhận ASC, ông Nguyễn Phùng Hoan (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định) đã nhắn nhủ với Lenger Việt Nam và cộng đồng người nuôi ngao Nam Định: Đây mới chỉ là bước đầu, để duy trì được thì Lenger phải cùng với bà con nông ngư dân bàn bạc, trao đổi công nghệ và kinh nghiệm để giúp chuỗi liên kết phát triển bền vững. Trong thời gian tới, cần phát triển rộng mô hình, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Nam Định cam kết đồng hành cùng với nông ngư dân và các nhà đầu tư; Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Ngọc Thúy – FICen

Share: 

Tin tức khác