Đã sang năm thứ 9, nghêu ở tỉnh Bến Tre được Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận MSC (Marine Sterwarship Council) - nhãn hiệu cho nghề khai thác được quản lý tốt, giữ đa dạng thái, không gây cạn kiệt. Nhờ thế, xuất khẩu được nhiều thị trường ưa chuộng và nay muốn mua phải qua đấu giá.
Nghêu đóng gói hút chân không ở nhà máy chế biến của Công ty Hưng Trường Phát.
Ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phấn khởi cho biết, thời điểm này, giá nghêu các địa phương khác dưới 30.000 đồng/kg, còn nghêu MSC của Bến Tre trên 30.000 đồng/kg, có khi tới 40.000 đồng/kg. Mà muốn mua phải đấu giá tại bãi nghêu nên chỉ có các thương lái chuyên nghiệp, đại lý lớn mới có thể mua, trả tiền trước khai thác nghêu sau.
Các bãi nuôi nghêu ở tỉnh Bến Tre trải dài địa bàn 3 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Diện tích nuôi nghêu được cấp sổ đỏ cho 9 hợp tác xã thủy sản để thực hiện quản lý cộng đồng, điều còn rất ít địa phương làm được. Tổng diện tích có thể nuôi nghêu khá lớn, tuy nhiên căn cứ điều kiện tự nhiên từng năm mà nuôi diện tích phù hợp. Năm 2017, Bến Tre nuôi 3.922 ha, trong đó, nghêu thịt 3.542 ha, nghêu giống 380 ha. Việc duy trì bãi nghêu giống với diện tích hợp lý cũng chỉ Bến Tre làm được ở đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh cả nước. Muốn khai thác nghêu giống từ 100.000 con trở lên phải có giấy phép của UBND tỉnh, dưới 100.000 con đến 5.000 con phải có giấy phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn dưới 5.000 con các hợp tác xã được quyết định.
Ông Buội cho biết thêm, các hợp tác xã thường xuyên theo dõi chặt chẽ sự biến động của thời tiết, môi trường nước; phân công cán bộ đo đạc các yếu tố môi trường hàng ngày như độ mặn, nhiệt độ, pH để xử lý kịp thời các biến động. Nhờ giữ nghêu giống và bảo vệ môi trường tốt, sản lượng thu hoạch năm 2017 đạt 5.050 tấn, trong đó, nghêu thịt 4.804 tấn, còn lại nghêu giống; doanh thu hơn 88 tỷ đồng. Đầu năm 2018, nhiều hợp tác xã vẫn còn nghêu thịt, đã thu hoạch 1.400 tấn và khoảng 1.150 tấn chuẩn bị thu hoạch. Diện tích thu hoạch được kịp thời san giống ra hoặc thả giống mới.
Hiệu quả rõ rệt của việc quản lý cộng đồng là đem nguồn lợi tự nhiên về cho 19.375 hộ xã viên một cách dân chủ, từ tiền lãi nuôi nghêu đến giải quyết việc làm. Trước đây, khi con nghêu chưa đạt chuẩn MSC, việc quản lý có nhiều bất ổn thường dẫn tới tranh giành, đánh nhau trên bãi nghêu.
Bà Trần Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bến Tre, là người có nhiều đóng góp cho con nghêu Bến Tre đạt MSC kể về sự đi lên không ít khó khăn qua điển hình Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông ở huyện Bình Đại: “Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông thành lập từ lâu nhưng việc phân công lao động và chia lợi nhuận không công bằng, nên khi đại hội xã viên bầu lại ban lãnh đạo, ba lần thất bại vì xã viên cãi nhau rồi đập hòm phiếu, bỏ về. Tôi cùng nhiều cán bộ địa phương xuống từng tổ xã viên lắng nghe dư luận để bàn tính thay đổi phương thức tổ chức, lần thứ tư đại hội mới bầu được vị chủ nhiệm có kinh nghiệm nuôi nghêu, không phải đảng viên. Đến nay, đây là hợp tác xã nuôi nghêu lớn nhất tỉnh Bến Tre với diện tích 750 ha và xã viên là toàn bộ hộ gia đình trong xã. Cộng đồng quản lý bãi nghêu và quản lý cả môi trường, chú ý trồng rừng nên nuôi nghêu ngày càng có hiệu quả, phân công lao động hợp lý làm tăng thu nhập đều đặn. Tiền lãi nuôi nghêu, dành 20% để lập ba quỹ, còn 80% chia đều cho nhân khẩu toàn xã nên người dân phấn khởi. Ở các hợp tác xã, ban chủ nhiệm là ban điều hành công việc theo chủ trương của cộng đồng, mọi việc có sự đồng thuận cao. Từ nuôi nghêu có hiệu quả, việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội và cả sinh đẻ có kế hoạch cũng tốt vì cộng đồng quản lý luôn nhân khẩu”.
Nghêu MSC của Bến Tre đã thành thương hiệu được nhiều thị trường ưa chuộng, nhất là EU. Ông Võ Thành Hiệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát (chuyên chế biến xuất khẩu nghêu ở huyện Bình Đại) cho biết: “Mỗi năm công ty xuất 4.000 tấn sản phẩm nghêu, giá trị khoảng 10 triệu USD. Ngày càng có nhiều khách hàng yêu cầu nghêu MSC, nay đã chiếm 25%. Đây là chứng nhận rất tốt, có nhiều triển vọng”.
Tuy nhiên, nghêu MSC của Bến Tre mà Công ty Hưng Trường Phát mua được hàng năm để chế biến xuất khẩu lại chỉ khoảng 50% tổng nguyên liệu, và phải mua qua thương lái. Nguyên do, Công ty Hưng Trường Phát chưa đấu giá được với các thương lái. Từ đó đặt ra vấn đề cấp thiết với Công ty Hưng Trường Phát là xây dựng nguồn nguyên liệu nghêu MSC thông qua chuỗi cung ứng từ các hợp tác xã.
Tổng giám đốc Hiệp bày tỏ: “Chúng tôi đang tìm cách gắn với các hợp tác xã bằng giải pháp đầu tư, tạo thêm việc làm cho xã viên. Đó là xây dựng các trạm sơ chế làm sạch nghêu, một công đoạn quan trọng nhất của chế biến nghêu, tại các hợp tác xã. Công việc sơ chế làm sạch nghêu cũng cần nhiều lao động, tạo thêm thu nhập cho xã viên và chúng tôi sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng”.
Dự án đầu tư chuỗi cung ứng nghêu MSC của Công ty Hưng Tường Phát đã thống nhất được với Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm ở xã Thừa Đức (huyện Bình Đại). Hợp tác xã Đồng Tâm có 300 ha nuôi nghêu, thuộc loại trung bình của Bến Tre. Theo thỏa thuận giữa hai bên, quý II năm 2018 bắt đầu triển khai, hoàn thành sau một năm bởi một vụ nuôi nghêu ngắn cũng cần một năm (thả giống nhỏ có khi 3 năm mới thu hoạch-PV). “Hy vọng thành công và từ kết quả này, chúng tôi phát triển sang các hợp tác xã khác để góp phần xây dựng chuỗi giá trị nghêu Bến Tre MSC bền vững”, ông Hiệp nói.
Theo Sáu Nghệ, Luật sư Việt Nam Online