Báo cáo đánh giá nguồn lợi, môi trường, xã hội và quản lý nguồn lợi nghêu cho ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh

Tác giả: 

TS. Cao Lệ Quyên, Ths. Đào Việt Long, Ths. Hoàng Văn Cường, Ths. Vũ Thị Hồng Ngân, Ths. Hồ Thu Minh, Ths. Lê Thị Thu Hương, Ths. Đinh Xuân Lập, và các cán bộ VIFEP, ICAFIS

Năm xuất bản: 

10/30/2019
Nghêu (Meretrix lyrata), thuộc ngành nhuyễn thể hai mảnh vỏ, từng được coi là nguồn thực phẩm phụ trợ của người nghèo ở Việt Nam, đang dần trở thành sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của nhiều địa phương ven biển. Hiện nay, sản xuất và chế biến nghêu đang trở thành nguồn sinh kế hấp dẫn và quan trọng của người dân vùng ven biển, góp phần cải thiện thu nhập và kinh tế cho hàng triệu nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là “vựa nghêu” lớn nhất của cả nước. Tính đến nay, sản phẩm nghêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước trong khối Asean, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Úc và Canada...đem lại nguồn thu ngoại tệ hơn 80 triệu đô la mỗi năm. Tuy nhiên, nghề nuôi nghêu hiện nay đang gặp phải nhiều hó hăn, thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của ngành nghêu. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đòi hỏi ngày càng nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn vệ sinh và chứng nhận bền vững cho các sản phẩm nghêu, tạo nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc phát triển và mở rộng thị trường mặc dù nhu cầu nghêu tại châu Âu và châu Á rất cao. Bên cạnh đó, các bên liên quan trong chuỗi giá trị nghêu hiện nay vẫn đang hoạt động riêng lẻ mà chưa có một mô hình quản trị chuỗi giá trị hiệu quả đảm bảo sự tham gia của tất cả các tác nhân trong chuỗi. Trong bối cảnh đó, được sự tài trợ của Liên Minh Châu ÂU (EU), tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp triển khai dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” tại 03 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang (2018-2020). Dự án được thiết kế nhằm cải thiện thu nhập cho người sản xuất nghêu, giúp họ có được năng lực đàm phán và tiếp cận thị trường tiềm năng khi năng lực quản trị chuỗi của họ được cải thiện, đạt được chứng nhận, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường và có kết nối với các công ty chế biến và thương mại. Nhằm đạt được những kết quả và mục tiêu đã đề ra, trung tâm ICAFIS phối hợp cùng Oxfam tại Việt Nam, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Sở NN&PTNT và các HTX nuôi nghêu tại các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre thực hiện, triển khai hoạt động “ Đánh giá nguồn lợi, môi trường, xã hội và quản lý nguồn lợi nghêu cho 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh ”. Báo cáo này là kết quả của hoạt động đánh giá nói trên.

Tài liệu cùng loại