Tôi gặp chú Luận vào buổi chiều nắng tháng 3, gần cao điểm mùa khô ở Miền Tây, thời điểm các đầm tôm đang tiến hành phơi ao chuẩn bị cho một vụ tôm mới sẽ bắt đầu vào tháng 4. Chú Luận, 59 tuổi là nông dân nuôi tôm điển hình của Miền Tây. Mọi mặt đời sống của nhà chú đều gắn với đầm tôm, từ chuyện lo cái ăn cái ở của gia đình, ăn học cho con cái đều là tiền từ cái đầm tôm mà ra, cho tới cả hoạt động thường ngày của hai vợ chồng chú cũng xoay quanh những đầm tôm, nên chú có thể nói cho tôi cả ngày về những đầm tôm.
Như chú nói, những năm gần đây đời sống của gia đình chú cũng như nhiều hộ nuôi tôm khác gặp nhiều khó khăn do dịnh bệnh xảy ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, thêm vào đó giá thức ăn, thuốc, hóa chất thủy sản tăng trong khi giá bán tôm lại biến động thất thường. Nhiều hộ trước kia ăn nên làm ra nhờ nuôi tôm nhưng nay lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Để giảm thiểu những rủi ro trên, HTX 14/10 nơi chú làm giám đốc tham gia liên kết với công ty chế biến và công ty cung cấp giống thuốc, thức ăn thủy sản từ tháng 9 năm 2016 với sự thúc đẩy của dự án SusV và Sở NN&PTNNT tỉnh Sóc Trăng. Khi tôi hỏi chú về tình hình các liên kết, chú nói “HTX của chú đã bán được trên 17 tấn tôm thẻ cho Công ty thủy sản sạch, giá bán thỏa thuận, mua bán công khai, minh bạch tuy có cao hơn giá tại địa phương nhưng chưa nhiều, trong hợp đồng đã ghi rõ sẽ mua cao hơn từ 3 tới 5% so với giá thị trường, nhưng chưa có cách hiểu thống nhất giữa nhà máy và HTX, bọn chú sẽ sớm thảo luận lại với công ty. Các thành viên HTX cũng đã thống nhất trong vụ tới sẽ thả tôm đồng loạt để có sản lượng lớn giúp liên kết dễ dàng hơn và mối liên kết được bền chặt”.
Sự chủ động của người bán trong việc thỏa thuận giá bán tưởng chừng như bình thường trong các mối quan hệ mua bán nhưng lại rất lạ lẫm với các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ như gia đình chú và gần 700.000 hộ nuôi tôm quay mô nhỏ tại Đồng Bằng Sông Cửu Long trong gần 40 năm qua. Những hộ này đa số nuôi tôm với sản lượng nhỏ và manh mún, cộng với việc thiếu thông tin thị trường nên giá bán hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái địa phương, do vậy thường chịu thiệt thòi trong quan hệ mua bán này. Bên cạnh đó việc con tôm nguyên liệu được mua bán qua nhiều khâu từ thương lái địa phương tới vựa thu gom rồi mới tới nhà máy chế biến cũng là nguyên nhân làm giảm chất lượng, ảnh hưởng tới hình ảnh con tôm trên thị trường quốc tế.
Sự thay đổi này là đầu tàu là tín hiệu vui cho chuỗi giá trị tôm, giúp tăng lợi nhuận và giảm rủi ro cho người nuôi tôm và tăng chất lượng nguồn tôm nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Bên cạnh liên kết với nhà máy chế biến. HTX còn liên kết với các đơn vị đầu vào như giống, thuốc, hóa chất và thức ăn nhằm giảm giá thành đầu vào, theo như chú có thể giảm tới 10% giá thành sản xuất. Hoạt động liên kết này cũng thuận lợi cho HTX trong việc tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế giúp tăng thêm giá trị con tôm.
Tôi tin sự thay đổi này là một khởi đầu cho một giai đoạn phát triển ổn định, bền vững của ngành tôm Việt Nam, trong đó những hộ nuôi tôm quy mô nhỏ và vừa – lực lượng sản xuất hơn 80% sản lượng tôm của Việt Nam, nhưng lại là đối tượng yếu thế nhất sẽ có tiếng nói lớn hơn.
Năm mới, vụ tôm mới lại bắt đầu, chúng tôi sẽ lại tiếp tục đi “bắc những chiếc cầu – xây dựng liên kết chuỗi” sứ mệnh lớn lao, niềm vui lớn, huy vọng bà con sẽ có những vụ mùa bội thu, tôm bán được giá cao, giảm giá vật tự đầu vào.
Vũ Thùy – ICAFIS
Dự án “Phát Triển Chuỗi Giá Trị Tôm Bền Vững - Công bằng Tại Việt nam - SUSV”, do Liên Minh Châu Âu tài trợ thông qua chương trình Chuyển Dịch Châu Á, đồng thực hiện bởi Oxfam Việt nam và Trung Tâm Hợp Tác Quốc Tế về Nuôi Trồng Và Khai Thác Thủy Sản Bền Vững (ICAFIS). |