Việt Nam là một trong số các nước sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, tuy nhiên việc sản xuất con giống phục vụ nuôi tôm nguyên liệu vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu.
Nội dung trên được nêu tại hội nghị phát triển ngành tôm và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ diễn ra vào hôm nay, 11-3, ở tỉnh Sóc Trăng.
Báo cáo của Tổng cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy diện tích nuôi tôm nước lợ năm ngoái của cả nước đạt 747.000 héc ta, trong đó, tôm sú là 626.000 héc ta và tôm thẻ chân trắng là 121.000 héc ta. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, trong đó, tôm sú là 265.000 tấn, tôm thẻ chân trắng là 665.000 tấn và còn lại là các loại tôm khác.
Với sản lượng tôm nguyên liệu được sản xuất ra như nêu trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngành tôm đã mang về 3,9 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái.
Theo ông Hòe, riêng hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 550 triệu đô la Mỹ, tăng 46,3% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm các sản phẩm thuộc ngành thủy sản.
Cùng với Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu xuất khẩu tôm của thế giới (kim ngạch xuất khẩu tôm năm ngoái của Việt Nam đạt 3,9 tỉ đô la Mỹ, trong khi Ấn Độ đạt 4,3 tỉ, Indonesia là 3,7 tỉ, Thái Lan dưới 1 tỉ và Ecuador là 4,2 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, việc sản xuất tôm giống để phục vụ nuôi thương phẩm, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy năm ngoái tổng nhu cầu tôm bố mẹ là trên 281.800 con, tuy nhiên, có đến trên 240.800 con tôm bố mẹ từ nguồn nhập khẩu và chỉ có 41.000 con tôm bố mẹ được sản xuất trong nước.
Theo Tổng cục Thủy sản, hàng năm lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con, trong đó, nhập từ Mỹ chiếm 53,5%; từ Thái Lan là 20,1% và còn lại là các nguồn cung cấp khác.
Trước thực trạng nêu trên, Tổng cục Thủy sản cho biết, giai đoạn 2022-2030, từ chương trình giống, sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu tôm sú, giúp tăng thêm phần chủ động nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho sản xuất trong nước.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm ngoái, 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ sản xuất được 144,5 tỉ con giống, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn về dự báo nhu cầu xuất khẩu tôm năm nay, ông Hòe cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ vượt mốc 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 10-12% so với năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá đóng góp khoảng 7-10% và tăng trưởng do sản lượng tăng đóng góp 2-5%.
Trung Chánh-Báo Mới