ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Tuyển tư vấn “Đánh giá hiện trạng lao động tham gia sản xuất nghêu MSC tại Tiền Giang”
(Hoạt động 6.1.4.7)
- Giới thiệu chung
Tiền Giang là tỉnh ven biển thuộc Đồng Bằng sông Cửu Long, có bờ biển dài hơn 32 km với 3 cửa sông chính chảy ra biển Đông là Cửa Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại, có nhiều phù sa, chất mùn bồi lắng tạo nên một dãy biển thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài thủy hải sản như các loài tôm cá nước lợ, các loài nhuyễn thể, trong đó loài thủy sản chiếm tỷ lệ cao là loài nghêu trắng. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy nên hoạt động sản xuất, ương nghêu cũng như nuôi nghêu thương phẩm ở khu vực này phát triển khá nhiều. Những năm gần đây, con nghêu đã trở thành đặc sản vùng biển được kiểm soát thu hoạch chặt chẽ, giá trị dinh dưỡng cao và là mặt hàng xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hàng năm hàng chục triệu đô la Mỹ (USD), riêng Tiền Giang năm 2008 đạt gần 10 triệu USD. Với tổng diện tích nghêu tại huyện Gò Công Đông là 2.150 ha và sản lượng năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt đạt:15.000, 19.200, 19.100, 19.600, 19.500 tấn.
Con nghêu hiện nay đóng góp tích cực vào tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang, thu nhập từ con nghêu đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng cao lợi ích cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản ven biển, con nghêu mang lại lợi ích khá cao về dinh dưỡng và về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như thương hiệu nghêu Tiền Giang, nhiều năm qua các cấp chính quyền, ban ngành địa phương đã có những bước đầu xây dựng thương hiệu gắn với những tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn quốc tế như: VietGap, GlobalGap hay tiêu chuẩn MSC nghề cá quốc tế. Bắt đầu từ năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xây dựng những bước chuẩn bị đầu tiên cho việc đánh giá tiền chứng nhận MSC cho nghề nghêu, các cơ quan ban ngành tỉnh cũng đã kết hợp với cộng đồng nuôi nghêu địa phương liên tục hoàn thiện và khắc phục theo những tiêu chí trong nguyên tắc của MSC nhằm chuẩn bị kỹ càng cho việc đánh giá chứng nhận MSC và tiến tới xin đánh giá đạt chứng nhận vào năm 2020.
Nhằm chuẩn bị kĩ càng và hoàn thiện theo các tiêu chí của chứng nhận MSC. Việc rà soát lại hiện trạng sử dụng lao động tham gia sản xuất nghêu giúp bổ sung và xây dựng thông tin và cơ sở dữ liệu cơ bản về mô tả khai thác nghề nghêu tại Tiền Giang là rất cần thiết. Trong khuôn khổ của dự án: “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/ tre tại Việt Nam – Hợp phần chuỗi giá trị nghêu” được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, được thực hiện mởi Tổ chức OXFAM tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI). Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là hỗ trợ, thúc đẩy và hoàn thiện nghề nghêu tỉnh Tiền Giang đạt chứng nhận MSC. Thông qua mạng lưới các đối tác và chuyên gia, Dự án mong muốn sẽ hỗ trợ các nhóm sản xuất nhỏ có được cơ sở dữ liệu cơ bản về sử dụng lao động tham gia sản xuất theo chứng nhận MSC nhằm bổ sung thông tin và tài liệu phục vụ cho đánh giá chứng nhận MSC tại Tiền Giang.
Vì vậy, Ban Quản lý dự án SCBV cần tuyển tư vấn thực hiện: “Đánh giá hiện trạng lao động tham gia sản xuất nghêu MSC tại Tiền Giang”.
- Mục tiêu của hoạt động:
- Hiện trạng sử dụng lao động tham gia nghề nghêu tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cho bản về hiện trạng lao động
- Đánh giá việc sử dụng lao động theo tiêu chí của chứng nhận MSC tại xã Tân Thành.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản về hiện trạng về sử dụng lao động tham gia nghề nghêu.
- Đề xuất phương hướng sử dụng lao động nhằm tăng khả năng sản xuất nghêu và đảm bảo theo tiêu chí của chứng nhận MSC tại Tiền Giang.
- Phạm vi công việc
- Phạm vi: Tất cả Tổ cộng đồng nuôi nghêu tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.
- Công việc: Tư vấn cần thực hiện một số công việc (nhưng không giới hạn) dưới đây:
- Nghiên cứu tài liệu của dự án, các tài liệu quan đến đặc điểm vùng sản xuất nghêu tại các HTX/THT nuôi nghêu và các tài liệu tại vùng nuôi nghêu xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông và các tài liệu liên quan đến hoạt động.
- Chuẩn bị một kế hoạch thực hiện cụ thể và chi tiết bao gồm cả kế hoạch đánh giá thực địa.
- Thảo luận cùng Ban quản lý dự án OXFAM/ICAFIS về phương pháp và cách thức triển khai hoạt động.
- Thống nhất và hoàn thiện phương pháp và kế hoạch triển khai có nội dung phù hợp tại tỉnh.
- Khảo sát và thu thập các số liệu hiện trạng lao động tham gia sản xuất nghêu MSC tại xã Tân Thành.
- Xây dựng báo cáo đánh giá. Xử lý số liệu và viết báo cáo về kết quả nghiên cứu, tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cơ bản về lao động tham gia nghêu MSC tại vùng sản xuất.
- Lấy góp ý của các bên liên quan cho báo cáo như từ Ban quản lý dự án, Cơ quan quản lý tại địa phương.
- Hoàn thiện báo các đánh giá dựa trên góp ý của các bên liên quan.
- Kết quả mong đợi
- Nghiên cứu cung cấp được một cơ sở dữ liệu cơ bản và đầy đủ bao gồm: thông tin lao động tham gia trong sản xuất nghêu hướng tới MSC, tình hình phương pháp sử dụng trong thu hoạch, nhu cầu về nhân lực, thành phần tham gia,… nhằm phục vụ cơ sở dữ liệu, số liệu đầy đủ cho nghề nghêu của Tân Thành, phục vụ cho đánh giá đạt chứng nhận MSC.
- Báo cáo khảo sát cũng chỉ ra được hiện trạng, những vấn đề đang tồn tại và những giải pháp khắc phục nhằm phát triển và hoàn thiện đảm bảo theo tiêu chí chứng nhận MSC cho nghề nghêu.
- Tất cả các kết quả đầu ra theo yêu cầu phải được nộp cho ban quản lý dự án (OXFAM, ICAFIS), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở định dạng điện tử và ở dạng bản cứng hoàn chỉnh.
- Thời gian và địa điểm thực hiện
Khung thời gian cho hoạt động này dự kiến 15/01 – 10/03/2020
Kết quả lựa chọn nhà tư vấn trong vòng 5 ngày sau khi hết hạn nộp hồ sơ tư vấn.
Bản báo cáo cuối cùng với sự tư vấn từ các chuyên gia ICAFIS/OXFAM chậm nhất là 15/03/2020.
Địa bản thực hiện: Tất cả tổ cộng đồng người nuôi nghêu tại xã Tân Thành và Ban quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
- Yêu cầu đối với đơn vị đánh giá
Tư vấn cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Có trình độ thạc sĩ trở lên cho các chuyên ngành: Khai thác thủy sản, quản lý thủy sản, kinh tế thủy sản, kinh tế nông nghiệp.
- Có kiến thức về chứng nhận MSC cho nghề nghêu.
- Chuyên gia tư có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc, trong nghiên cứu liên quan tới thủy sản, liên quan tới hộ gia đình, người dân, các Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thủy sản.
- Có khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, cũng như chủ động tốt.
- Nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và hiệu được ngôn ngữ địa phương là một lợi thế.
- Có hiểu biết chuyên sâu hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Việt Nam
- Cam kết và đáp ứng theo yêu cầu đúng thời hạn.
- Thời hạn nộp hồ sơ.
Hạn nộp hồ sơ: trước 17h, ngày 9 tháng 01 năm 2020 và gửi qua:
Cô: Đinh Thị Thu – Cán bộ dự án, E-mail: thu.dinh@icafis.vn, điện thoại: 038.200.6198