(TTĐN) - Đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững ở phía Nam, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm nước lợ và xây dựng khu phức hợp sản xuất, nuôi tôm chất lượng cao ở phía Bắc... ngành nuôi trồng - chế biến tôm đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo tiền đề vững chắc để tôm Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế...
Theo thống kê, hàng năm ngành thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 164 quốc gia trên thế giới, trong đó tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng - chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm...
Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của tôm Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Giai đoạn 2010 - 2014, nghề nuôi trồng - chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng khá mạnh, tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 2,1 tỷ USD năm 2010 lên 3,95 tỷ USD năm 2014; thị trường xuất khẩu mở rộng trên phạm vi 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhưng từ năm 2015 đến nay kim ngạch xuất khẩu tôm và các sản phẩm tôm chế biến bắt đầu giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Các thị trường xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất là Mỹ giảm 35,4%, Nhật giảm 22,8%, EU giảm 18%...
Theo đánh giá của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), nghề nuôi tôm ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng giá bán giảm, vật tư tăng, bị ép giá, tôm chết nhiều, chậm lớn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khó khăn nguồn nước...
Kết quả khảo sát của ICAFIS năm 2015 tại Sóc Trăng và Cà Mau và Bạc Liêu cho thấy, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dùng đến 72% tổng nguồn vốn để mua tôm nguyên liệu; 79,8% nguyên liệu mua từ các hộ nuôi nhỏ lẻ và thương lái. Liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu chỉ chiếm 14,3% số doanh nghiệp và gần như không có các liên kết chính thức. Những hạn chế về tiếp cận nguồn vốn cũng là rào cản đối với các nhà sản xuất và chế biến xuất khẩu...
Để đưa nghề nuôi tôm thành ngành công nghiệp - “công xưởng” tôm của thế giới, sớm đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong kế hoạch đến năm 2025 như mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tháng 2/2017 tại Cà Mau, ngành chức năng và các địa phương đang đẩy mạnh triển khai mô hình chăn nuôi, chế biến, liên kết sản xuất mới trên phạm vi cả nước.
Tại các tỉnh phía Nam, được sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam Việt Nam và ICAFIS đã triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam ” giai đoạn 2016 - 2020.
Sau hơn 1 năm triển khai (tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), dự án đã thúc đẩy ký kết 54 hợp đồng liên kết chuỗi (đầu vào - đầu ra) để kiểm soát chất lượng, nuôi theo chứng nhận bền vững, truy xuất nguồn gốc, giảm giá thành đầu vào từ 15-20%, tăng giá bán từ 3-5%....
Các mô hình kết hợp nuôi tôm bền vững như tôm - rừng, tôm - lúa được thúc đẩy phát triển; gần 400 hộ nuôi và hợp tác xã đã cải tiến sản xuất trong quá trình nuôi thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm thiểu đáng kể dịch bệnh và những tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái…. Dự án cũng tăng cường thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế vào chuỗi giá trị tôm bền vững tại Việt Nam theo mô hình hợp tác công – tư (PPP).
Ở miền Bắc, trung tuần tháng 5, hơn 200 đại biểu đến từ Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hộ nuôi tôm 7 tỉnh ven biển và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đã thảo luận tại diễn đàn “Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi tôm nước lợ” tổ chức tại Quảng Ninh và cơ bản thống nhất: Đảm bảo tôm giống sạch, nước sạch và đáy sạch (3 sạch) là mấu chốt của thành công.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khu vực phía Bắc từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế có 11 tỉnh/thành phố nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích 34.726ha, trong đó diện tích nuôi tôm chân trắng là 10.875ha, diện tích nuôi tôm sú 23.850 ha. Bình quân sản lượng đạt 48.382tấn, trong đó tôm chân trắng đạt 40.114 tấn, tôm sú đạt 8.268 tấn...
Để đáp ứng 2 trong số 3 tiêu chuẩn "sạch" nói trên, ngay trong tháng 5 một khu phức hợp sản xuất con giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản đã được khởi công xây dựng.
Đây là dự án khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư, triển khai trên diện tích 187,8ha thuộc địa bàn hai xã Tân Lập và Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh). Tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, gồm khu nuôi tôm giống, nhà máy thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến xuất khẩu.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, gồm các khu: Nuôi tôm thương phẩm, xử lý nước thải, ao lắng; khu văn phòng nhà ở, trạm điện sản xuất, trại Post, thu gom và xử lý rác thải... Dự kiến khi đưa vào hoạt động sản xuất 8 tỷ con tôm giống/năm, năng suất nuôi tôm thương phẩm đạt 100 – 300 tấn/ha mặt nước/năm, tương đương 5.800 – 17.400 tấn/năm.
Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến xuất khẩu, góp phần hình thành một trung tâm nuôi trồng - chế biến tôm ở phía Bắc. Trong tương lai, trung tâm này không chỉ có khả năng cung cấp tôm giống đảm bảo chất lượng cho 11 tỉnh phía Bắc và miền Trung mà còn có khả năng cung cấp tôm giống cho cả các tỉnh giáp biên giới của Trung Quốc.
Sự nỗ lực của ngành thủy sản, các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người nuôi tôm trên cơ sở áp dụng mô hình nuôi trồng - chế biến tiên tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm sẽ góp phần quan trọng giúp ngành tôm Việt Nam đủ sức cạnh tranh, mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế./.
Mạnh Đức