Ngày 10/7, Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Sở NN&PTNT Cà Mau tổ chức Diễn đàn Khoa học công nghệ về nuôi tôm sú hữu cơ ĐBSCL. Tại đây, nhiều vấn đề bàn luận được đưa ra như làm gì để phát triển diện tích, nâng cao năng suất tôm sú sinh thái/hữu cơ? Hiệu quả kinh tế - môi trường - xã hội khi phát triển tôm sú sinh thái/hữu cơ như thế nào? Công tác tổ chức sản xuất nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ ra sao...?
Diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người nuôi tôm
Chứng nhận tôm sinh thái
Tỉnh Cà Mau có 301.595 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ là 287.642 ha với nhiều loại hình nuôi như: siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm sinh thái, nuôi kết hợp nhiều đối tượng trong cùng diện tích... Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 19.000 ha với gần 4.200 hộ được các tổ chức quốc tế chứng nhận đạt các chứng nhận tôm sinh thái/hữu cơ, như: Naturland, EU, Selva shrimp. Hiện, ngành nông nghiệp Cà Mau đang tập trung để tái cơ cấu loại hình sản xuất này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh với mục tiêu đến năm 2020 có 35.000 ha được các tổ chức quốc tế chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tôm sinh thái/hữu cơ. Việc phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái vừa qua luôn được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp; các tổ chức quốc tế, sự đồng tình của nhân dân và đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nên có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Để phát triển diện tích sản xuất tôm sú sinh thái/hữu cơ trong thời gian tới, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, các tỉnh có điều kiện phát triển như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang cần có quy hoạch diện tích dành cho nuôi tôm sú hữu cơ ở các vùng sinh thái tôm - lúa, tôm - rừng, tôm quảng canh cải tiến; đồng thời, có chính sách mời gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia tài trợ, hỗ trợ các chương trình, dự án về tôm hữu cơ. Ông Quang nhấn mạnh: “Tiềm năng phát triển tôm sú sinh thái/hữu cơ ở ĐBSCL là rất lớn và cũng rất phù hợp với điều kiện, trình độ của đa số nông dân, nên chỉ cần tổ chức sản xuất tốt là có thể phát triển được”.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm - rừng ở Cà Mau tập trung chủ yếu tại các địa phương như: Năm Căn 7.625 ha; Ngọc Hiển 22.875 ha; Phú Tân 4.000 ha; Đầm Dơi 5.000 ha. Việc phát triển mô hình tôm - rừng nhằm bảo vệ môi trường gắn với nuôi tôm theo hướng bền vững. Mô hình được xem là nuôi tôm “sinh thái” chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu vào các siêu thị lớn trên thế giới. Năng suất nuôi tôm - rừng tuy chỉ mới đạt 0,25 - 0,35 tấn/ha, nhưng người dân có thể kết hợp để nuôi các loài thủy sản khác như cua, cá, các loài sống dưới tán rừng để mang lại lợi nhuận tăng thêm và được hỗ trợ từ dịch vụ chăm sóc và bảo vệ rừng.
Tạo sự bền vững
Các mô hình lúa - tôm được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển nuôi tôm hữu cơ Ảnh: XT
Liên quan đến vấn đề nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ, ông Quang cho rằng: “Muốn phát triển nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ một cách hiệu quả, nhất thiết phải có con giống kháng bệnh để tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi trước những biến động thường xuyên của môi trường nước tự nhiên”. Đối với vấn đề tiêu thụ tôm sinh thái/hữu cơ, theo ông Quang thật ra không phải lúc nào cũng được giá cao như mong muốn. Ông Quang dẫn chứng: “Từ trước đến nay, Minh Phú rất ít khi bán được tôm sinh thái/hữu cơ với mức giá cao hơn tôm sạch 20% mà chủ yếu quanh mức cao hơn 10%. Do đó, trong quá trình phát triển sản xuất tôm sú sinh thái/hữu cơ chúng ta cần có cách tiếp cận mới theo hướng bán được số lượng lớn với mức giá hợp lý chứ không nhất thiết đòi hỏi phải bán được giá cao hơn 20% hay 30% so với tôm khác”.
Là một địa phương có tiềm năng phát triển tôm sú sinh thái/hữu cơ lớn trong khu vực với chủ lực là mô hình tôm - lúa, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang đặt vấn đề: “Nếu phát triển tốt mô hình nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ, chúng ta sẽ tạo được sự khác biệt cho con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc sản xuất vì môi trường, vì xã hội và đáp ứng đa chứng nhận. Khi đó, mỗi khi có nhu cầu sử dụng tôm là người tiêu dùng sẽ luôn nhớ đến con tôm Việt Nam”.
Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện dự án phát triển ngành tôm công bằng và bền vững, theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, muốn phát triển tốt tôm sú sinh thái/hữu cơ, nhất thiết phải xây dựng được chuỗi tôm sú đạt chứng nhận. Để làm được điều này, trước hết cần tăng cường tổ chức người nuôi thành tổ, nhóm hay HTX có tính pháp lý nhằm khắc phục hạn chế về sản xuất quy mô nhỏ hiện nay. Kế đến là ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng, như: nuôi 2 giai đoạn, gây màu thức ăn tự nhiên, ương trong vèo… và cuối cùng là nâng cao nhận thức cho người nuôi về lợi ích và sự cần thiết trong thực hiện liên kết chuỗi.
Đồng tình với đề xuất của phía ICAFIS, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Muốn phát triển tốt và có hiệu quả nghề nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, dứt khoát phải tổ chức lại sản xuất và thực hiện tốt khâu liên kết chuỗi. Vấn đề tiếp theo là công tác chuyển giao khoa học công nghệ cần thay đổi nội dung phương thức tập huấn, đào tạo để làm sao trong thời gian ngắn nhất chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu tôm quốc gia”.