Tôm lúa bền vững ở mô hình nuôi, nhưng rối đầu ra

Nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong phát triển mô hình tôm lúa là sự ổn định đầu ra sản phẩm thông qua các mối liên kết.

Tôm lúa bền vững ở mô hình nuôi, nhưng rối đầu ra

Hội thảo mô hình lúa tôm được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu ngày 30.3. Ảnh: Nhật Hồ

Thiên nhiên tặng không mô hình hiệu quả

Ngày 30.3, Hội Thủy sản Việt Nam (ICAFIS) phối hợp cùng Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo Thúc đẩy mô hình tôm lúa và liên kết doanh nghiệp tại ĐBSCL.

ĐBSCL với lợi thế điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình tôm lúa (một vụ tôm và một vụ lúa) nên được người dân áp dụng rộng rãi. Mô hình đã giúp nông dân thu về lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình lúa tôm tại tỉnh Bạc Liêu được xác định là bền vững có thu nhập cao. Ảnh: Nhật Hồ

 

Mô hình lúa tôm tại tỉnh Bạc Liêu được xác định là bền vững có thu nhập cao. Ảnh: Nhật Hồ

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, diện tích nuôi tôm - lúa ước đạt gần 190.000ha chủ yếu tập trung tại các tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... với sản lượng đạt khoảng 120.000 tấn tôm thương phẩm. Đây là mô hình phát triển nhanh, bền vững, giúp hàng triệu nông dân có thu nhập ổn định. Ngoài ra đây là mô hình thích ứng với biển đổi khí hậu.

Hệ thống thủy lợi phục vụ cho mô hình lúa tôm vẫn là khâu yếu nhất từ khi xuất hiện mô hình đến nay. Ảnh: Nhật Hồ

Hệ thống thủy lợi phục vụ cho mô hình lúa tôm vẫn là khâu yếu nhất từ khi xuất hiện mô hình đến nay. Ảnh: Nhật Hồ

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhìn nhận sản xuất tôm lúa là hướng phát triển bền vững ở ĐBSCL. Các sáng kiến về sản xuất tôm lúa của vùng trong thời gian qua cho thấy hiệu quả mô hình đã được kiểm chứng và thừa nhận trong thực tế.

Tuy nhiên, khả năng nhân rộng mô hình phụ thuộc trước hết vào phương án phát triển lúa tôm và kế hoạch đầu tư công của các địa phương trong thời gian tới, sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò đầu tàu dẫn dắt chuỗi cung ứng tôm lúa.

Thiếu đầu tư, rối đầu ra

Bên cạnh thuận lợi, mô hình tôm - lúa cũng đang gặp nhiều khó khăn như thiếu hệ thống thủy lợi, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định...

Ngoài ra, nguồn con giống chưa chủ động phải nhập từ nơi khác về; việc kiểm soát chất lượng con giống còn hạn chế nên vẫn còn một lượng lớn giống trôi nổi chưa được kiểm soát.

Hệ thống thủy lợi phục vụ cho mô hình lúa tôm chưa hoàn chỉnh làm giảm năng suất con tôm lẫn cây lúa. Ảnh: Nhật Hồ

Hệ thống thủy lợi phục vụ cho mô hình lúa tôm chưa hoàn chỉnh làm giảm năng suất con tôm lẫn cây lúa. Ảnh: Nhật Hồ

Theo ông Trịnh Văn Tiến, Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, kết quả tham vấn một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm gần đây cho thấy, hầu hết đều quan tâm đến sản phẩm tôm hữu cơ, sinh thái được chứng nhận do nhu cầu tốt tại các thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho việc xây dựng vùng nguyên liệu tôm lúa do quan ngại hoặc chưa sẵn sàng tham gia đầu tư vào mô hình này bởi 2 lý do: Các tỉnh chưa quy hoạch vùng sản xuất tôm lúa và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi cho vùng sản xuất tôm lúa.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, thông tin: Định hướng đến giai đoạn 2025-2030, chúng ta có khoảng 300.000ha nuôi tôm lúa. Như vậy, để đạt được mục tiêu này ngoài con giống người dân cần có kỹ thuật tốt và mô hình liên kết hiệu quả.

“Vấn đề quan trọng là bán cho ai và bán ở đâu. Việc chúng ta cần làm là liên kết, xây dựng dự án liên kết chuỗi trong mô hình tôm lúa. Chúng tôi sẽ tổng hợp các mô hình liên kết ở khu vực và nhân ra diện rộng để người dân áp dụng”, ông Khôi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khôi, các địa phương cần chú trọng công tác kế hoạch và thực hiện, quản lý, giám sát đảm bảo đúng định hướng phát triển trọng tâm của vùng; xây dựng hạ tầng thủy lợi kịp thời đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho vùng phát triển mô hình. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất đảm bảo phát triển bền vững hài hòa lợi ích của các lĩnh vực, các ngành trong nền kinh tế.

Theo Nhật Hồ, Báo Lao động

Share: 

Tin tức khác