Tìm giải pháp gỡ “nút thắt” mô hình sản xuất lúa tôm

Ngày 30-3, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, OXFAM tại Việt Nam và MCD tổ chức hội thảo "Thúc đẩy mô hình lúa tôm và liên kết doanh nghiệp tại ĐBSCL" tại Bạc Liêu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Sản xuất lúa tôm là hướng phát triển bền vững tại ĐBSCL. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang xây dựng 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, chắc chắn mô hình sản xuất lúa tôm sẽ được đưa vào.

 

 

Tìm giải pháp gỡ “nút thắt” mô hình sản xuất lúa tôm ảnh 1

Mô hình sản xuất lúa tôm tại tỉnh Cà Mau.

Cũng theo ông Trịnh, sản xuất theo mô hình lúa tôm đạt được tiêu chuẩn nông nghiệp sinh thái và mang tính đa dạng sinh học cao. Sản xuất theo mô hình lúa tôm cũng làm giảm phát thải khí nhà kính. Khi áp dụng các biện pháp giảm phát thải thì mặt bằng canh tác cũng được nâng cao. Sản phẩm có thể được dán các nhãn xanh, do đó giá sẽ cao hơn nhiều so với các loại sản phẩm bình thường…

Các chuyên gia cũng nhìn nhận mô hình lúa tôm có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm) và cây trồng (lúa) trong hệ sinh thái đồng ruộng. Cụ thể: chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư của vật nuôi sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu sinh trưởng; rơm, rạ từ cây lúa sẽ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho con tôm; giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và nguồn gây bệnh cho lúa và tôm; giảm thiểu chi phí làm đất, phân bón, thuốc hóa học, tạo sản phẩm sạch, an toàn; trồng lúa giúp gia tăng lượng vi sinh vật có ích, giúp xử lý chất thải hữu cơ dưới đáy nhanh hơn, gia tăng hàm lượng oxy, giảm các chất độc hại, hạn chế tình trạng lão hóa vùng nuôi tôm do đất ngập mặn lâu…

Dù vậy, mô hình lúa tôm cũng có những khó khăn nhất định. Theo ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT), khả năng mở rộng mô hình lúa tôm còn phụ thuộc vào đầu tư công để có công trình đáp ứng được nhu cầu về “đầu vào” và “đầu ra” của hệ thống và cần huy động nguồn tài chính xanh để hỗ trợ quá trình đầu tư mở rộng. Khả năng nhân rộng mô hình lúa tôm trước hết phụ thuộc vào phương án phát triển lúa tôm và kế hoạch đầu tư công của các địa phương trong giai đoạn tới, sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò đầu tàu dẫn dắt chuỗi cung tôm lúa và là pháp nhân phù hợp để huy động tài chính xanh đầu tư cho sản xuất lúa tôm.

Theo Tổng Cục thủy sản, mô hình lúa tôm phát triển mạnh tại các tỉnh ven biển tại ĐBSCL. Theo đó, năm 2022, diện tích nuôi lúa tôm đạt gần 190.000ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre…

Sản lượng lúa tôm đạt khoảng 100 ngàn tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trên 20 ngàn tấn tôm càng xanh. Đối tượng nuôi lúa tôm chủ yếu là tôm sú, ngoài ra có một số mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa, thả mật độ thấp. Một số địa phương thả nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh trên đất.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, hội thảo nhằm chia sẻ những kết quả, bài học kinh nghiệm và lấy ý kiến tham vấn từ các đại biểu để đóng góp, hỗ trợ chính sách tại vùng ĐBSCL. Mục tiêu là thúc đẩy các mô hình lúa tôm bền vững và hỗ trợ xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất thực hiện các tiêu chuẩn phù hợp đáp ứng yêu cầu thị trường.

Qua hội thảo, nhằm đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của mô hình; tháo gỡ những "nút thắt", “điểm nghẽn” trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện…

Theo Tấn Thái, báo Sài Gòn Giải Phóng

Share: 

Tin tức khác