Tháo nút thắt về vay vốn cho con tôm theo chuỗi

Nghề nuôi tôm là nghề mang lại lợi nhuận cao, tuy nhiên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về i) môi trường; ii) dịch bệnh; iii) biến động giá thị trường…những năm vừa qua khi dịch bệnh hoành hành, nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL phải lâm vào tình trạng nợ đọng triền miên, theo chia sẻ của Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam tổng dự nợ cho ngành tôm khoảng 11,199 tỷ, trong đó khu vực ĐBSCL là 7,651 tỷ. Tuy nhiên, ở vùng nước nợ thì nuôi tôm là sinh kế chính của người dân, cơ hội chuyển đổi sinh kế là rất hiếm hoi, nhiều người dân khẳng định vẫn muốn gắn bó với con tôm, mắc dù cơ hội tiếp cận nguồn vốn là RẤT KHÓ KHĂN.

Thời gian vừa qua chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho vay trong sản xuất nông nghiệp như: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Quyết định 2210/QĐ NHNo –HSX ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Ngân hàng nông nghiệp về cho vay đối với các HTX, liên HTX trong lĩnh vực nông nghiệp…tuy nhiên cơ hội tiếp cận vốn của người nuôi tôm là KHÔNG NHIỀU do đã có nợ xấu từ giai đoạn trước khi mất mùa, dịch bệnh xảy ra.

Về Định hướng chính sách vay vốn theo chuỗi Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Cụ thể như: Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông-lâm-thủy sản hướng đến xuất khẩu; Quyết định số 1050/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP. Trong giai đoạn thực hiện thí điểm theo QĐ 1050 đã có 06 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia vào dự án, tài trợ cho 22 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 22 dự án tại 17 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với số tiền hơn 7.333,73 tỷ đồng; trong đó giải ngân cho 10 dự án chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đạt số tiền 5.767,38 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để mô hình vay vốn theo chuỗi được triển khai rộng rãi thì vẫn còn nhiều khó khăn như:

i) Mô hình cho vay theo chuỗi giá trị hiện nay cũng rủi ro do còn thiếu các chính sách và cơ chế xử lý. Theo các ngân hàng, ngoài các rủi ro về tín dụng (rủi ro trong quản lý dòng tiền), vay theo chuỗi còn ẩn chứa những rủi ro khác như rủi ro hoạt động (môi trường, thời tiết, giả mạo các tài liệu của người đi vay, rủi ro về chính sách, rủi ro do thiếu sự liên kết trong chuỗi, rủi ro dây truyền do một khâu sản xuất này có thể gây ảnh hưởng đến khâu sản xuất khác), rủi ro thị trường (biến động giá cả thị trường đầu vào và đầu ra),…

ii) Không có đủ tài sản đảm bảo theo quy định hay tài sản đảm bảo không đủ giá trị để cho vay

Biến động giá cả thị trường là một trong những rủi ro được xác định là lớn nhất trong đánh giá cho vay, theo nhiều nghiên cứu mà dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam (SusV)” do Liên minh Châu Âu tài trợ và đồng thực hiện bởi ICAFIS và Oxfam tại Việt Nam tiến hành thì, giá thành sản xuất con tôm Việt Nam trong thời gian qua luôn cao hơn giá thành sản xuất tôm thế giới, có thời điểm cao hơn tới 20%. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là người nuôi tôm thiếu vốn phải mua đầu vào với giá cao hơn tới 15% cũng như là không có vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm sử dụng nước, năng lượng, thức ăn hiệu quả hơn giúp giảm giá thành cũng như tăng chất lượng con tôm sản xuất ra cũng nhưng tăng quy mô để tham gia liên kết – giảm đi những chi phí trung gian khác. Do vậy để gỡ “NÚT THẮT” này việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cho vay và Bộ quy tắc về tham gia và vay vốn theo chuỗi giá trị tôm có ý nghĩa rất quan trọng, chính vì vậy Viện chính sách chiến lược, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP) đã đồng hành cùng dự án SusV trong hơn 2 năm vừa qua để xây dựng và phát triển 02 bộ Quy tắc nói trên.

Nhằm hoàn thiệt bộ quy tắc này, Ngày 8 tháng 6 năm 2018, ICAFIS, Oxfam tại Việt Nam và Viện Chiến Lược Ngân Hàng nhà nước đã tổ chức hội thảo tham vấn “Bộ quy tắc về tham gia và vay vốn theo chuỗi giá trị tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau” với sự tham gia của hơn 70 đại biểu là đại diện cho các bên tham gia chuỗi tồm từ: Tổng cục thủy sản (D-FISH), Hội nghề cá Việt Nam, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, WWF tại Việt Nam, Ngân hàng nhà nước/thương mại, doanh nghiệp đầu vào, đầu ra, cơ quan chức năng và đại diện các THT/HTX nuôi tôm tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau…

Bộ quy tắc đưa ra các hành vi ứng xử, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các bên khi tham gia vào liên kết chuỗi dọc. Bên cạnh đó bộ quy tắc cũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các thành viên HTX và ban quan trị HTX trong thực hiện liên kết ngang nhằm giữ vững liên kết chuỗi. Cơ chế xử phát dựa trên các văn bản pháp luật hiện hành khi có các hành vi phá vỡ liên kết chuỗi cũng được đề cập trong bộ quy tắc nhằm giảm thiểu các trường hợp “bẻ kèo” đã từng xảy ra trong chuỗi liên kết.

Cơ chế thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng bằng hình thức chuyển khoản được đại diện các Ngân hàng ủng hộ cao. Đây được xem là yếu tố vừa tạo ra “lòng tin” và tạo ra được “minh bạch” trong thị trường. Ông Trần Quốc Khởi - Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau chia sẻ “Bộ quy tắc được xem là một bước đột phá, khi đi vào triển khai sẽ là cứu cánh cho người nuôi tôm. Trong bối cảnh giá tôm đang giảm sâu như hiện nay thì chỉ có liên kết chuỗi để giảm giá thành sản xuất và ngành tôm Việt Nam mới có đủ năng lực cạnh tranh với tôm của các nước bạn VÀ đồng vốn là yếu tố chính quyết định cho việc thực hiện liên kết chuỗi”.

Theo văn bản sô 115/TB – UBND ngày 14 tháng 8 năm 2017 của chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, sau khi bộ quy tắc này được hoàn thiện dự kiến UBND tỉnh sẽ ra quyết định ban hành và triển khai thử nghiệm cho vay theo 03 chuỗi tôm tại tỉnh. Từ kết quả triển khai của tỉnh Bạc Liêu bộ quy tắc sẽ được nghiên cứu nhân rộng sang các tỉnh khác và ngành nghề nông nghiệp khác tại Việt Nam.

Xuân Lập, Vũ Thùy – ICAFIS

Share: 

Tin tức khác