Sản xuất tôm sinh thái sẽ tạo lợi thế mạnh trong cạnh tranh theo tiêu chí giảm giá thành, tăng chất lượng hiện nay. Tuy nhiên, để có thể sản xuất bền vững, các khâu từ sản xuất, tiêu thụ tôm sinh thái cần có cách quản lý và liên kết chặt chẽ để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Liên kết chuỗi
Qua khảo sát các hộ nông dân nuôi tôm sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, bên cạnh những hộ nông dân được liên kết tiêu thụ theo các chương trình của GIZ, MAM,… vẫn còn nhiều hộ nông dân thả nuôi tôm sinh thái để nâng cao thu nhập và được tiêu thụ qua thương lái.
Hầu hết các hộ nông dân “tự túc” trong khâu sản xuất và tiêu thụ tôm sinh thái đều có nguyện vọng được tham gia vào một chuỗi liên kết. Từ đó vừa được hỗ trợ nâng cao kỹ thuật nuôi tôm sinh thái cho hiệu quả, vừa có đầu ra ổn định và lâu dài. Chính vì vậy, để việc nuôi tôm sinh thái mang lại hiệu quả cho chính người dân và ngành tôm, việc liên kết tiêu thụ là điều tất yếu.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện Cà Mau có khoảng 90.000 ha tôm sinh thái trong rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển với năng suất từ 400 kg - 600 kg/ha; trong đó, 19.000 ha có chứng nhận của các tổ chức quốc tế. Cà Mau cũng đã có nhiều chương trình vận động và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết, tiêu thụ tôm sinh thái của tỉnh.
Hiện diện tích tôm sinh thái này được liên kết sản xuất, tiêu thụ với Tập đoàn Minh Phú, Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển để hoàn thành chuỗi liên kết tiêu thụ tôm sinh thái của tỉnh Cà Mau. Để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, tạo điều kiện cho người nuôi tôm sinh thái chất lượng cao, chính các doanh nghiệp đã hỗ trợ kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho người dân.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thu mua tôm với giá cao hơn các hộ chưa liên kết là 10%. Những đãi ngộ này sẽ thu hút nông dân nuôi tôm tự nguyện vào các liên kết chuỗi nhanh chóng hơn để giúp họ ổn định lâu dài.
Bên cạnh đó, hiện nay con tôm sinh thái Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia khác nhau. Để dễ dàng lưu hành trên thị trường thế giới, tôm sinh thái Việt Nam đã được nhiều tổ chức thế giới khảo sát quy trình sản xuất và chứng nhận.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững chia sẻ, muốn các tổ chức chứng nhận quốc tế như chứng nhận hữu cơ (Organic), Hiệp hội hữu cơ Naturland… cấp chứng chỉ đạt theo các tiêu chuẩn này, trước hết người nuôi phải tự tập hợp thành các hợp tác xã, tổ hợp tác có tính pháp lý.
Thông qua các hợp tác xã này, các tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế mới đủ cơ sở về diện tích, vùng nuôi để khảo sát, kiểm tra và cấp chứng nhận tôm sinh thái đạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, dễ dàng “lưu thông” trên thị trường thế giới.
Quản lý chặt chất lượng
Một sản phẩm muốn giữ vị trí vững chắc trong lòng người tiêu dùng, sản phẩm đó phải duy trì chữ tín về chất lượng, cũng như quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo cho sức khỏe con người và môi trường.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận xét, kinh tế thế giới hiện nay đang hội nhập mạnh mẽ. Vì vậy, sức cạnh tranh giữa các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác nhau ngày càng khốc liệt hơn. Con tôm sinh thái cũng nằm trong vòng xoáy đó.
Không riêng Việt Nam có diện tích rừng ngập mặn lớn, khoảng 179.000 ha, mà các quốc gia khác như Ecuador, Ấn Độ cũng có khả năng phát triển tôm sinh thái. Cụ thể, Ecuador đã thành lập Nhóm Đối tác tôm bền vững, với 7 thành viên doanh nghiệp chuyên cung ứng tôm sinh thái cho các quốc gia nhập khẩu tôm chất lượng cao như Mỹ, châu Âu.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, các địa phương phải có một quy hoạch chặt chẽ về chất lượng sản phẩm tôm. Bao gồm, cả chất lượng con tôm sinh thái phải luôn được đảm bảo, cũng như các quy trình sản xuất an toàn mới nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam.
Cụ thể, địa phương quy hoạch và quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, cung cấp giống tôm chất lượng cao cho người nuôi, tránh tình trạng thả nổi khi con tôm sinh thái đang là nguồn lợi mang lại giá trị kinh tế cao. Bởi hiện nay, ngành tôm Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và có giữ vững chất lượng, mới đảm bảo giá trị con tôm trên thị trường thế giới.
Song song với quản lý chất lượng, việc xây dựng thương hiệu cho con tôm sinh thái Việt Nam cũng góp phần nâng cao hình ảnh tôm Việt trên thị trường thế giới. Trăn trở với vấn đề này, nhiều năm qua, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú đã cải tiến quy trình sản xuất, tăng cường liên kết, hướng dẫn kỹ thuật và mời các chuyên gia thẩm định chất lượng đến tham quan vùng nuôi tôm của Minh Phú. Từ đó, các tổ chức này cấp chứng nhận cho con tôm Việt, nâng cao giá trị hơn nữa.
Theo ông Quang, khi lợi ích của cộng đồng, xã hội và người nuôi tôm được đặt lên hàng đầu, mọi người có lợi nhuận, thì con tôm sẽ được chú trọng và đầu tư chặt chẽ từ khâu đầu tiên. Có như vậy mới xây dựng thương hiệu cho tôm Việt bằng hình ảnh chuẩn mực nhất, đẹp nhất, là hành động tôn trọng đối tác, tôn trọng chính mình và con tôm Việt.