Rác thải nhựa tái chế từ Tâm

Tôi là một người đã làm trong ngành Thuỷ sản khá lâu và nhân duyên đưa tôi biết đến những tác phẩm nghệ thuật hết sức ấn tượng được làm từ rác thải nhựa, cũng như các hoạt động thiện nguyện có liên quan đến câu chuyện rác thải nhựa đại dương.

Ô nhiễm từ Rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo thống kê, nghiên cứu từ các chuyên gia chỉ ra rằng 80% RTNĐD có nguồn gốc từ đất liền. Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, theo nghiên cứu của các chuyên gia khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất (theo nghiên cứu của Tiến sỹ Jenna Jamback năm 2015).

Với đường bờ biển dài hơn 3.200km, đây là lợi thế để nước ta phát triển mạnh ngành thuỷ sản.  Có hơn 1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó diện tích nuôi biển hiện khoảng 256.470 ha (2019), số lượng tàu có tính đến năm 2022 là 86.820 tàu. Tuy nhiên, chính điều này lại phát sinh ra những vấn đề liên quan đến rác thải nhựa và ngư cụ dùng trong khai thác và đánh bắt.

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của RTNĐD đối với môi trường kinh tế – xã hội nói chung và các loài sinh vật biển nói riêng, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành. Ngày 04/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia  theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Ngày 5/02/2021, Bộ NN&PTNT đã Ban hành quyết định Số Số: 687/QĐ-BNN-TCTS Phê duyệt kế hoạch hành động rác thải nhựa ngành thuỷ sản giai đoạn 2020 -2030 với mục tiêu của kế hoạch quốc gia đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

8.jpg  5_2.jpg

Ông Nguyễn Văn Xuân đang giới thiệu về các sản phẩm được làm từ vật liệu nhựa được tái chế

Các dự án phát triển cũng đang định hướng đến việc kết hợp phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa vùng biển với sự tham gia của nhiều bên như trường viện, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước…

Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 6 năm 2024, trong khuôn khổ cuộc họp thường niên giữa các bên trong dự án “Ngăn ngừa, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ gây ô nhiễm tại các vùng biển Việt Nam (REVFIN)” được tổ chức tại trường Đại học Nha Trang, tôi được gặp gỡ và tiếp xúc trao đổi với ông Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng RESA, một người được xem là “LÀM RÁC THẢI NHỰA TỪ TÂM”. Ở cái tuổi 65, mái đầu bạc trắng với cơ ngơi to, đẹp, rộng rãi và đầy đủ. Thay vì an hưởng tuổi già thì ông lại xây dựng cho mình lòng đam mê và tâm huyết với rác thải nhựa. Tại hội thảo ông say mê chia sẻ về rác thải nhựa và những sản phẩm của công ty, ông Xuân chia sẻ: “Trước đây, thấy rác thải nhựa có ở khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường khiến ông rất trăn trởvà ông quyết tâm làm sống lại rác thải nhựa, trao một “cuộc đời mới” cho chính nó, có ích hơn, hoàn thiện hơn.

7_0.jpg  2_4.jpg

Quy trình tái chế rác thải nhựa

Nhân ngày môi trường thế giới năm nay (ngày 5/6), đoàn dự án lại có dịp được tới thăm và nghe ông chia sẻ tại xưởng sản xuất nhựa tái chế công ty RESA lại làm tôi thán phục ông hơn.

Từ rác thải nhựa, công ty ông đã tái chế thành các sản phẩm bàn, ghế công viên, đôn kệ, chậu kiểng, gạch lát, tấm bê tông giả đá làm bậc cầu thang, tấm bàn bếp, tấm ốp trang trí và nhiều sản phẩm decor, trang trí, quà tặng, đặc biệt là biểu tượng trống đồng Việt Nam. Với phương pháp nhiệt phân rác thải nhựa, hiện nay, công ty đã xây dựng dây chuyền chiết xuất dầu, quy mô pilot; bước đầu sản xuất ra dầu nhiệt phân từ rác nhựa. Loại dầu này có đặc tính tương đương với dầu diesel và dầu hỏa, có thể dùng làm nhiên liệu đốt lò, chạy động cơ diesel.

4_3.jpg   1_6.jpg

Quá trình tham quan, trao đổi nói chuyện, tôi có hỏi ông: “Các sản phảm phẩm của anh đã bán nhiều ra thị trường chưa?”, ông bồi hồi chia sẻ: “Làm thì mất nhiều công, nguyên vật liệu phối trộn cũng cần đảm bảo cân bằng để giảm khí thải CO2 ra môi trường nên giá còn cao so với các sản phẩm thông thường từ bê tông vì thế chưa bán được nhiều”.

6_0.jpg

Trống đồng Đông Sơn được làm từ vật liệu nhưạ tái chế

Với bản thân tôi, mỗi sản phẩm mang trên mình một giá trị, giá trị sản phẩm của ông Xuân, của RESA với tôi là “TÂM”, tâm với môi trường, tâm với cộng đồng, tâm với xã hội. Xin được chúc cho ông và công ty RESA ngày càng phát triển và mở rộng. Xin được chia sẻ câu chuyện về ông để những sản phẩm của ông và công ty tìm được nhiều khách hàng “CÓ TÂM” để chung tay bảo vệ môi trường.

Xuân Lập – ICAFIS

Share: 

Tin tức khác