Trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn, nữ giới luôn bị coi là nhân tố phụ trong gia đình, không có tiếng nói và không có quyền quyết định mọi việc lớn bé. Chính vì thế, dự án GRAISEA của Oxfam và Icafis ra đời để giải quyết phần nào vấn đề này, mang lại bình quyền cho phụ nữ.
GRAISEA – giải quyết nghèo đói và bất công
Dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á - GRAISEA” được OXFAM, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp triển khai tại Việt Nam trên địa bàn 2 tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau. Một trong những đầu ra hướng tới của dự án là “Xây dựng tiêu chí đánh gia cho vay theo chuỗi giá trị bền vững” làm cơ sở tham chiếu cho các ngân hàng thương mại và vận động ưu đãi cho vay theo chuỗi giá trị tôm, ngành hàng mang lại giá trị lớn nhưng cũng nhiều rủi ro.
Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 94 quốc gia trên thế giới. Tổ chức là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng. Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.
Dự án GRAISEA được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Thụy Điển tại Bangkok, tổ chức OXFAM cùng Trung tâm ICAFIS thuộc Hội Nghề cá Việt Nam phụ trách triển khai, nhằm tăng quyền cho phụ nữ và nam giới để họ tự chủ (chủ động hơn nữa) trong cuộc sống của chính mình; thúc đẩy và hỗ trợ phong trào bình đẳng giới một cách bền vững. Là điều cốt lõi không thể thiếu cho việc phát triển kinh tế, nhận thức xã hội.
Ảnh: Nguyệt Nga
Thực hành công cụ giới GALS cho các cặp vợ chồng trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng
Bình quyền và những tác động đi kèm
“Trong xã hội mà người đàn ông luôn tự tin về vị thế của mình, phụ nữ không chỉ biết chịu đựng mà còn phải được tôn trọng.” Đây là câu nói nổi tiếng của bà Aung Sang Suu Kyi (1945) – chính khách nổi tiếng của Myanmar từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 với đánh giá: “Những đấu tranh của Suu Kyi là một minh chứng điển hình cho sự dũng cảm của người châu Á trong những thập kỷ vừa qua.”
Ở Việt Nam, vai trò của phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị khá được coi trọng. Trong hệ thống cơ quan Đảng, Chính phủ và Quốc hội…, tỷ lệ % phụ nữ giữ vị trí cao luôn được chú ý. Lần đầu tiên tại Việt Nam, trọng trách Chủ tịch Quốc hội được tín nhiệm trao cho một phụ nữ. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Tuy nhiên, nhìn roonghj ra cả nước, vai trò của phụ nữ ở thành thị vẫn được đề cao hơn hẳn khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo số liệu của cơ quan quản lý thủy sản địa phương, hiện nay tỉnh Sóc Trăng có khoảng 45.000 ha diện tích nuôi tôm với xấp xỉ 50.000 hộ gia đình. Với những thay đổi của thời tiết, khí hậu và dịch bệnh những năm vừa qua, các hộ gia đình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thiếu vốn trong sản xuất. Chi em phụ nữ trong các hộ gia đình nuôi tôm theo đánh giá của cơ quan quản lý là rất tích cực, các chị không chỉ đảm nhiệm các công việc gia đình như: nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, đưa con đi học…mà cũng đã tham gia phụ giúp một phần nhỏ cùng chồng trong hoạt động nuôi tôm như: chuẩn bị thức ăn, tham gia bán tôm và làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng chính sách.
Với tầm nhìn “Tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, được tạo điều kiện để tham gia các cơ hội phát triển nhằm giải quyết nghèo đói và bất công. Theo đó, người phụ nữ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, kinh tế thịnh vượng; Dự án GRAISEA mà Oxfam và Icafis đang triển khai đã góp phần thắp lên niềm tin về một tương lai tươi sáng. Một tương lai ghi nhận nỗ lực và đánh giá chính xác vai trò của phụ nữ trong tiến trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở Sóc Trăng, Cà Mau nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Ảnh: Nguyệt Nga
Bà Phan Thị Xinh Hưởng – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng:
“Chúng tôi rất vui được chọn là đối tác địa phương trong chương trình dự án GRAISEA và vui hơn nữa là được tiếp cận một công cụ mới rất hay và bổ ích. Bản thân tôi và một số chị em tại tỉnh Hội cũng đã được tập huấn về công cụ GALS (công cụ trong khuôn khổ dự án GRAISEA). Đây là công cụ dễ học, dễ thực hành bởi người học có thể vẽ ra những điều mà họ nghĩ. Tham gia theo cặp (vợ, chồng) đã giúp xóa đi những rào cản và thêm gắn kết tình cảm gia đình. Tôi thấy quan niệm về giới của các ông chồng cũng như cộng đồng nuôi tôm vùng dự án cởi mở hơn so với trước kia. Một số định kiện về giới tham gia trong nuôi tôm có phần giảm, ở một số hộ gia đình, phụ nữ trực tiếp cho tôm ăn. Đã có sự chia sẻ công việc hộ gia đình, người nam đã phụ giúp vợ trong việc nhà và người nữ đã chia sẻ cùng chồng trong việc nuôi tôm. Thêm vào đó cũng đã có sự chia sẻ trong việc quyết định bán tôm hoặc mua vật tư đầu vào của gia đình.”
Nguyệt Nga
Theo: Tạp chí thủy sản