Chiều 15/6, tại Cần Thơ diễn ra Hội thi “Sáng kiến mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu- năm 2020” do Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) và các Sở NN&PTNT ở ĐBSCL tổ chức.
Ban tổ chức cho biết Hội thi có ba mục đích: Nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, cụ thể là hạn mặn; Thúc đẩy sáng tạo ra các sáng kiến, mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với hạn mặn dựa trên kinh nghiệm và tri thức cộng đồng; Thông qua Hội thi, xây dựng bức tranh tổng thể về biến đổi khí hậu nguyên nhân – tác động – hệ quả – biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, gắn kết giữa các đơn vị từ cấp quản lý – cộng đồng – doanh nghiệp – tổ chức xã hội đến người dân, cùng hợp tác chung tay phát triển bền vững và thịnh vượng.
Một góc hội thi
Tham gia có 7 đội với gần 200 người nuôi tôm và nghêu ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre. Nội dung thi gồm 3 phần: Thách thức hạn mặn; Giải pháp thích ứng hiệu quả; Mô hình thích ứng tốt. Hội thi tổ chức theo hình thức trò chơi tập thể, cùng thúc đẩy sáng tạo, phát triển tri thức cộng đồng. Ban giám khảo gồm các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ, Tổ chức WWF, Chi cục Thuỷ sản và Trung tâm Khuyến nông địa phương, Dự án Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á giai đoạn 2 (GRAISEA 2), Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam (SCBV).
Trao giải nhất cho đội Bạc Liêu 2
Kết quả, giải nhất trao cho đội Bạc Liêu 2 với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn, giải nhì trao cho đội Tiền Giang với mô hình ương nghêu giống trên ao bạt, giải ba trao cho đội Trà Vinh với mô hình nuôi nghêu nước sâu, giải đặc biệt trao cho đội Sóc Trăng 2 với mô hình đa canh cây trồng vật nuôi cua-cá-tôm-lúa. Bên cạnh còn có giải khuyến khích và giải đồng đội. Giải thưởng cho các đội ngoài tiền mặt còn được các đơn vị đồng hành tư vấn hoàn thiện mô hình và hợp tác đầu tư phát triển. Mọi nông dân tham gia đều có quà tặng là sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Thông tin tại Hội thi cho biết, ĐBSCL có tiềm năng phát triển thuỷ sản nhưng đang chịu tác động nặng nề bởi các hiện tượng cực đoan của thời tiết và thiên tai do biến đổi khí hậu. Trong tháng 2/2020, hạn mặn đến sớm với độ mặn quá cao đã làm nghêu thương phẩm chết hàng loạt với tỷ lệ 60 – 90% ở tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Độ mặn ở nhiều vùng nuôi tôm tăng trên 30‰ có nơi trên 40‰ dẫn đến tôm chết hàng loạt. Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích thả nuôi từ đầu vụ đến nay của tỉnh chỉ mới hơn 6.000 ha nhưng đã ghi nhận có khoảng 115 ha tôm bị thiệt hại. Tại tỉnh Bến Tre, nhiều hộ nuôi tôm khẳng định, đây là năm đầu tiên tôm chết nhiều như vậy.
Trước tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nông dân nuôi trồng thủy sản đã có nhiều sáng kiến thích ứng để biến nguy thành an. Hội thi góp phần trao đổi và phổ biến những mô hình thích ứng hiệu quả để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam nói chung và tại vùng ĐBSCL nói riêng.
Sáu Nghệ