Trong những năm gần đây ngành nuôi tôm nước lợ được xác định là đối tượng chủ lực của ngành thủy sản Việt nam. Năm 2016 tôm Việt nam đã xuất khẩu sang 90 thị trường trên thế giới, kinh ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 3.15 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay cho thấy ngành sản xuất tôm đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất: i) dịch bệnh EMS gây ảnh hưởng lớn; ii) chất lượng tôm giống kém và khó kiểm soát; iii) ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao; iv) môi trường sản xuất ngày càng bị ô nhiễm; v) quỹ đất sản xuất bị thu hẹp…Trước tình hình đó để chất lượng tôm Việt nam cạnh tranh trên thị trường thế giới và nâng cao sản lượng tôm đáp ứng nhu cầu thị trường thì vấn đề áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào con tôm là điều cần thiết và cấp bách của cả nước – doanh nghiệp và người nuôi tôm.
Để thúc đẩy và phát triển ngành tôm của toàn vùng ĐBSCL công ty Trúc Anh đã nghiên cứu thành công “Quy trình nuôi tôm thể chân trắng siêu thâm canh 02 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ Trúc Anh” và được Tổng cục thủy sản công nhận là là tiến bộ kỹ thuật trong ngành thủy sản của cả nước. Nhằm gắn kết và chia sẽ thành công từ mô hình gắn kết người dân và doanh nghiệp theo mô hình chuỗi liên kết bền vững, ngày 15 -16/5/2017 tại Bạc Liêu, Trong khuôn khổ dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm Bền vững - Công bằng tại Việt Nam SusV” Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Công Ty TNHH SX&TM Trúc Anh, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Bạc Liêu tổ chức khóa tập huấn/đối thoại “Nuôi tôm công nghệ cao – phát triển bền vững theo chuỗi” nhằm chia sẽ quy trình nuôi và cam kết gắn kết với người nuôi tôm đến từ 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tham gia khóa tập huấn/đối thoại có hơn 70 người đến từ cơ quản quản lý địa phương, Chi Cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến Nông và các HTX/THT ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tại khóa tập huấn/đối thoại ông Lê Anh Xuân giám đốc Công ty Trúc Anh đã có những chia sẻ sâu về thực tế nuôi tôm và Quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 02 giai đoạn theo công nghệ Trúc Anh đến bà con nuôi tôm, cũng như cam kết gắn kết trong liên kết với người nuôi nhằm phát triển ngành tôm theo hướng phát triển bền vững.
Qua khóa tập huấn/đối thoại về quy trình nuôi tôm của công ty Trúc Anh và tham quan mô hình thực tế tại Công ty Trúc Anh. Mô hình đã được đa số người nuôi quan tâm và muốn gắn kết áp dụng quy trình nuôi của công ty Trúc Anh. Cụ thể tại buổi đối thoại đã có 9 thỏa thuận liên kết chuỗi giữa Công ty Trúc Anh với đại diện ban quản lý HTX/THT đến từ 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã được ký kết.
Trong thời gian tới, để cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác và đưa quy trình nuôi vào áp dụng thực tế cho người nuôi công ty Trúc Anh sẽ đến từng HTX/THT để gắn kết và hỗ trợ kỹ thuật cũng như chuyển gia quy trình nuôi của công ty cho người nuôi tôm.
Ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc ICAFIS chia sẻ “Chính phủ đã giao cho ngành tôm một mục tiêu lớn, muốn đạt được mục tiêu đó thì ngoài việc nâng cao sản lượng, chúng ta còn cần nâng cao chất lượng sản phẩm. Với Quy trình nuôi tôm thể chân trắng siêu thâm canh 02 giai đoạn ít thay nước của công ty Trúc Anh và với cách phát triển theo chuỗi giá trị sẽ giúp ngành tôm dần tiến đến mục tiêu, đưa ngành tôm tiến bền vững và tiến xa”.
Thế Diễn - ICAFIS