Cà Mau: Thành công từ chuỗi giá trị ở Cái Bát

Thành lập năm 2013, gồm 12 thành viên với 47 ha, đến năm 2016, HTX Dịch vụ NTTS Cái Bát, huyện Cái Nước tham gia Dự án “Chuỗi giá trị tôm công bằng bền vững tại Việt Nam” (viết tắt là SUSV), số thành viên HTX tăng lên 57 người và hiện tại là 127 thành viên với 430 ha đất nuôi tôm; trong đó, có 90 ha nuôi thâm canh, 10 ha nuôi bán thâm canh, còn lại là quảng canh. 

Thu hoạch tôm tại HTX Dịch vụ NTTS Cái Bát   Ảnh: XT

Thu hoạch tôm tại HTX Dịch vụ NTTS Cái Bát Ảnh: XT 

Nhiều chuyển biến

Trước đây, hoạt động nuôi tôm hầu hết là mạnh ai nấy làm, nhưng từ khi được Dự án SUSV hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, được doanh nghiệp liên kết thực hiện chuỗi giá trị ngành tôm hỗ trợ 500.000 đồng/ha đối với nuôi quảng canh và 8 triệu đồng/ha đối với nuôi thâm canh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ HTX bảo hiểm an toàn điện, xây dựng nhà kho và thuê tư vấn tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên HTX.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cái Bát cho biết, thông qua Dự án, HTX thực hiện liên kết với các doanh nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra rất hiệu quả. Ngoài những hỗ trợ trên, các thành viên HTX còn được mua con giống với giá rẻ hơn 15 đồng/con, thức ăn rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg và thuốc thú y, chế phẩm sinh học… đều giảm 20 - 25% so bên ngoài. Đối với tôm nuôi, khi thu hoạch được doanh nghiệp Thanh Đoàn thu mua với giá tương đương hoặc cao hơn 2.000 - 5.000 đồng/kg. Đặc biệt, ngay trong đợt bão số 16 vừa qua, khi các hộ nuôi tôm khác thu hoạch chạy bão bị thương lái ép giá mỗi ký đến 20.000 đồng, thì hơn 20 tấn tôm của các thành viên HTX Cái Bát thu hoạch trong thời điểm trên vẫn bán được đúng theo giá thị trường, tính ra giảm được thiệt hại hơn 400 triệu đồng”.

Chính từ hiệu quả và sự công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của Ban lãnh đạo HTX, nên người nuôi bắt đầu nhận thức được những lợi ích khi tham gia sản xuất hợp tác, nên số lượng thành viên tăng lên rất nhanh.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm

Sau khi được Dự án tập huấn, tuyên truyền về nuôi tôm bền vững, các thành viên HTX đều hiểu rằng, muốn nuôi tôm thành công và lâu dài, không chỉ có con giống tốt, thức ăn chất lượng mà quan trọng hơn chính là ở ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng nuôi tôm để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Ông Lâm chia sẻ: “Hiện nay, tất cả rác thải đều được người nuôi thu gom đưa về nơi xử lý an toàn, bùn đáy ao cũng không không còn xả thải trực tiếp ra kênh rạch như trước mà được đưa vào ao chứa để xứ lý. Khi phát hiện ao tôm bị dịch bệnh, các thành viên đều báo ngay cho HTX để có biện pháp dập dịch đúng theo quy định”.

Thành công trong sản xuất của HTX Cái Bát còn có được là do việc quản lý hoạt động dựa vào phân công đầu mối quản lý. Chia sẻ về điều này, Giám đốc Lâm cho biết thêm: “Chúng tôi chia ra thành nhiều tổ do tổ trưởng quản lý, còn lãnh đạo HTX chỉ làm việc trực tiếp với đầu mối là tổ trưởng, nên công việc quản lý, điều hành cũng dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn. Tất cả thành viên HĐQT đều xác định, muốn làm ăn hiệu quả trước hết phải tạo dựng được lòng tin lẫn nhau thông qua việc công khai, minh bạch tất cả các khoản thu, chi cho thành viên HTX biết và giám sát”.

Hiện nay, HTX Cái Bát đang tập trung cho công tác cải tạo ao để kịp thả nuôi vụ mới, với mục tiêu đạt sản lượng tôm nuôi năm 2018 là 1.500 tấn; trong đó, có 76 ha nuôi thâm canh và 240 ha nuôi quảng canh có chứng nhận ASC (hiện đã đánh giá xong, đang hoàn thiện thủ tục công nhận). Khác với những hộ làm ASC khác, HTX không đòi hỏi phải bán giá quá cao, mà chỉ cần giá thu mua của doanh nghiệp từ bằng đến cao hơn chút đỉnh so bên ngoài là được. Như ông Lâm giải thích: “Bởi doanh nghiệp đã hỗ trợ cho HTX rất nhiều thứ, từ tiền cho đến kho chứa, bảo hiểm… nên chúng tôi cũng phải có trách nhiệm trở lại với doanh nghiệp để hài hòa lợi ích lẫn nhau, nhằm tiến tới liên kết bền vững thực chất”.

Theo Xuân Trường, Báo Thuỷ sản Việt Nam

Share: 

Tin tức khác