Cà Mau: Nông dân “gánh” nợ ngân hàng

Phần lớn nông dân vùng chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện nay đều “gởi” sổ đỏ ở các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng chục năm nay không thể lấy về do không có khả năng trả nợ.

nông dânÔng Ðỗ Văn Thắng đã 75 tuổi nhưng phải lao động vất vả để trả khoản nợ trên 160 triệu đồng cho ngân hàng.

Nhiều người cầm cố, thậm chí bán đất, nhưng vẫn không trả dứt, vợ chồng, con cái bỏ xứ đưa nhau lên tận Bình Dương làm thuê ở các khu công nghiệp kiếm tiền trả nợ. Người thì nhắm mắt làm liều, “mặc kệ” cho ngân hàng... muốn xử lý sao thì xử. Nợ ngày cứ một lớn dần mà tôm nuôi thì chỉ có thả giống nhưng chẳng có thu. Ðây là cái giá mà người nuôi tôm phải trả cho ước mơ làm giàu nhanh, giàu ngay lập tức của mình.

Nợ chồng nợ!

“Ði Bình Dương", "Mũi Né" không biết tự bao giờ đã trở thành câu cửa miệng quen thuộc của người dân vùng chuyển dịch nuôi tôm ở Cà Mau, dùng để ám chỉ việc một ai đó vỡ nợ phải bỏ xứ đi làm thuê ở tỉnh khác để kiếm sống.

Dẫn chúng đi đến ấp Vàm Xáng, ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời, phân trần: “Phần lớn gia đình ở đây chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em, còn thanh niên đi Bình Dương hoặc các nơi khác để làm thuê hết rồi. Mấy năm nay tôm thất liên miên, hầu như ai cũng nợ ngân hàng chồng chất nên đành phải đi xứ khác làm thuê kiếm tiền trả nợ”.

Nhìn bản danh sách thống kê tiền nợ của bà con nơi đây không khỏi giật mình. Chỉ tính riêng ấp Vàm Xáng, xã Phong Ðiền, chỉ hơn 100 hộ vay vốn mà hiện đã nợ ngân hàng đến trên 7 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Ánh, một trong những “con nợ” của Ngân hàng NN&PTNT Trần Văn Thời, Chi nhánh Sông Ðốc, nói: “Năm 2001, cha tôi vay ngân hàng 13 triệu đồng để cải tạo đất, mua tôm giống, nhưng làm ăn thất bát không trả nổi lãi, đến hạn đóng lãi phải vay bổ sung để trả. Cứ thế, nợ cũ cộng nợ mới cứ dồn lên, sau này đến khi cha tôi mất, giao đất lại cho thằng em thì đã nợ hơn 70 triệu đồng. Không trả nổi, ngân hàng xuống xiết nợ, em tôi phải cố đất lại cho tôi trong vòng 10 năm để lấy tiền trả ngân hàng. Nhưng cũng mới chỉ trả được 20 triệu đồng, còn nợ 50 triệu đồng, sổ đỏ vẫn còn ở ngân hàng, không biết bao giờ mới đủ tiền để lấy về”.

Nói về chuyện cầm cố đất trả nợ ngân hàng, ông Nguyễn Văn Giới cho biết: “Không phải dân ở đây không muốn trả nợ mà họ không trả nổi. Xã này rất nhiều người phải cầm cố, thậm chí bán đất để trả nợ. Ðiển hình như ông Lê Văn Út trước đây là Trưởng ấp Vàm Xáng, năm 2001 cũng vay chỉ hơn 10 triệu đồng nhưng sau này đội lên gần 100 triệu đồng, phải bán phân nửa số đất để trả nhưng vẫn còn nợ 23 triệu đồng, giờ đã bỏ xứ đi làm thuê rồi. Hay như bà Thái Thị Tiến, vay có mấy chục triệu nhưng không trả lãi nổi, phải vay bổ sung, giờ cố đất trả nợ vẫn không đủ, con cái đi Bình Dương làm thuê kiếm tiền chung nhau trả mà cũng chưa xong”.

Ngồi vá lú trước cửa nhà, lão nông Ðỗ Văn Thắng, 75 tuổi, nói: “Từ năm 2001 chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tôi vay ngân hàng 15 triệu đồng để nuôi tôm, nhưng tôm nuôi không hiệu quả, tới hạn 1 năm không có tiền trả lãi nên ngân hàng cho vay bổ sung để trả lãi và nợ gốc, còn dư chút đỉnh mua giống nuôi tiếp. Cứ vay bổ sung như thế mà tới giờ đã nợ 166 triệu đồng. Ngân hàng mới kêu lên vay bổ sung mà tôi chưa dám, nếu bổ sung nữa thì chắc tôi chết mất”.

Ông Ðỗ Văn Thắng là thương binh ¾, có mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, hai người anh là liệt sĩ, nhưng hiện vợ chồng già vẫn sống trong căn nhà xiêu vẹo, cùng đứa cháu ngoại đang đi học. Các con đều có gia đình ra ở riêng. Ông Thắng cho biết: “Giờ nếu ngân hàng không khoanh nợ hoặc miễn, giảm lãi thì thật tình không cách nào trả nợ được”.

Cần chính sách phù hợp để dân trả nợ

Chủ tịch UBND xã Phong Ðiền Nguyễn Văn Thành cho biết: “Hiện trên 90% hộ dân không có sổ đỏ ở nhà mà đang cầm ở ngân hàng. Có người vay ít, có người vay nhiều, thậm chí có người nợ trên 200 triệu đồng. Trước tình trạng này, xã kiến nghị với tỉnh, Trung ương khoanh nợ hoặc giảm, miễn lãi cho các hộ này. Nếu cứ để lãi nhập vốn thì không cách nào nông dân trả nổi”.

Tại xã Phong Ðiền, số hộ dân nợ ngân hàng với số tiền trên 200 triệu đồng là không ít. Ông Ngô Tấn Binh cho biết: “Từ khi chuyển dịch sản xuất năm 2001, lúc đầu tôi vay 30 triệu đồng, nhưng làm ăn thất bại. Có kế hoạch trả nhưng không trả nổi, giờ nợ đã tăng lên 240 triệu đồng. Ðã 2 năm nay tôi không trả lãi ngân hàng nữa. Số nợ đội lên như thế là do tới hạn trả nợ nhưng không trả lãi nổi, ngân hàng họ liên hệ cho vay thêm đúng tiền lãi hoặc dư chút đỉnh để mua giống. Khoản vay mới cộng thêm vào vốn liên tục như vậy, cuối cùng nợ cứ phình to ra”.

Thực tế không phải chỉ có Ngân hàng NN&PTNT cho nông dân vay vốn chuyển đổi sản xuất mà các ngân hàng khác cũng cho vay nhưng đã thu được gần hết các khoản nợ của dân. Ðiển hình là Ngân hàng Công thương. Ông Du Minh Sến, Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Cà Mau, cho biết: “Quá trình thu nợ của Ngân hàng Công thương có thể nói là rất vất vả, có khi phải thu cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Thậm chí cử cả lực lượng nữ mặc áo dài đi thu nợ. Thực ra làm thế cũng chỉ là hình thức đi đôn đốc người dân trả nợ, chứ thu nhập của người dân cũng chỉ có thế thôi, khó mà trả dứt được. Tuy nhiên, đến nay thu cũng cơ bản, còn lại không đáng kể. Hạch toán thì vẫn hạch toán nhưng khi xử lý thu thì ngân hàng miễn giảm lãi phạt, chỉ tính lãi trong hạn. Lãi phạt thì phân loại ra, ai có khả năng thì trả, ai khó khăn quá thì giảm miễn từng phần. Chính sách trên được ngân hàng xin chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau và thực hiện trong toàn tỉnh. Nhờ vậy, người dân đã trả gần như dứt nợ”.

Ông Du Minh Sến chia sẻ thêm: “Nguyên tắc là khi tăng quy mô tín dụng thì trước nhất phải tăng quy mô sản xuất. Nếu chỉ tăng vốn mà không tăng thực sự về quy mô sản xuất thì cũng có nghĩa là chỉ tăng về nghĩa vụ trả nợ nên cuối cùng nợ cứ chồng lên, người nông dân khó mà trả hết được”.

Cà Mau vừa mới công bố thiên tai mức độ 2 trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, điều này cũng cho thấy nguy cơ người nuôi tôm phải vay thêm tiền để trả nợ ngân hàng là rất lớn. Ðiều này cũng đồng nghĩa với khoản nợ mà họ gánh trên vai sẽ ngày một nhiều thêm mà không có cách nào dứt ra được. Nếu như không có chủ trương khoanh nợ, giãn nợ, xoá lãi... cho nông dân thì tương lai họ bị mất đất, nghèo đi, sẽ rất dễ xảy ra./.

05/07/2016
Bài và ảnh: Ðặng Duẩn
Báo Cà Mau, 05/07/2016

Share: 

Tin tức khác