Tập trung nguồn lực sớm đưa tôm nước lợ là sản phẩm chiến lược quốc gia

Ngày 30/6, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã có cuộc họp cùng các DN tìm các giải pháp trước mắt từ nay đến cuối năm, cũng như vạch ra chiến lược dài hơi cho ngành nuôi tôm nước lợ của Việt Nam.

tôm súTôm nước lợ đang có nhiều dư địa để tăng trưởng

DN “cầu cứu” vì đỏ mắt tìm công nhân

Ảnh hưởng của hạn – mặn kéo dài tại ĐBSCL từ năm 2015 tới đầu năm 2016, bên cạnh việc gây thiệt hại nặng nề cho các vùng nuôi tôm nước lợ, cũng đang kéo theo những hậu quả rất đáng ngại về lực lượng lao động tại các NM chế biến thủy sản.

Tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cty Minh Phú) ái ngại cho biết: Do ảnh hưởng của việc thiếu nguyên liệu từ cuối năm 2015 nên từ đầu năm 2016 đến nay, làn sóng công nhân rời NM chế biến tôm đang khiến các DN rơi vào tình cảnh thiếu công nhân trầm trọng.

Theo ông Quang, rảo quanh các NM tại ĐBSCL cho thấy, NM nhiều nhất hiện cũng chỉ còn 1.000 đến 1.500 công nhân, đa số NM hiện chỉ còn 200-300 công nhân. Ngay như Cty Minh Phú, trước đây thường xuyên duy trì tới 14 nghìn công nhân, nay tổng cộng chỉ còn chưa tới 9.000 công nhân.

Vì vậy, mặc dù hiện nguồn tôm nguyên liệu chưa phải là nhiều, nhưng nghịch lý là tôm tại các NM lại đang tồn ứ rất lớn. Việc tồn ứ nguyên liệu do thiếu công nhân khiến các NM không dám mua thêm tôm. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu trong nước vẫn thấp, trong khi giá tôm thế giới đang ở mức cao.

“Hiện Cty chúng tôi đã phải chạy đôn chạy đáo tới tận các địa phương nhờ họ tuyển công nhân, cứ ai tuyển được một công nhân thì được bồi dưỡng 100 nghìn đồng, rồi ưu đãi thêm rất nhiều lương thưởng, nhưng cũng không tuyển nổi.

Bởi công nhân họ đã tản hết lên các KCN tại Bình Dương. Hiện Minh Phú đã phải giảm công suất chế biến khoảng 12-15 nghìn tấn/tháng, nhưng nếu không tuyển được công nhân thì từ nay đến cuối năm, dù dân có tăng thêm sản lượng nuôi thì các DN cũng không thể mua được nguyên liệu” – ông Quang cho biết.

Vị này cầu cứu: Kiến nghị Bộ NN-PTNT cần sớm có đề nghị phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương vào cuộc hỗ trợ tuyển gấp công nhân, nếu không ngành tôm từ nay tới cuối năm khó mà khôi phục SX được như kỳ vọng, chưa nói tới việc tăng công suất.

Cũng theo lãnh đạo Cty Minh Phú, trước thực trạng khan hiếm công nhân, hiện Cty đang phải khẩn trương chuyển hướng từ mặt hàng tôm lột vỏ đòi hỏi nhiều lao động sang mặt hàng tôm nguyên con, kết hợp đặt hàng SX và NK dây chuyền tuyển tôm nguyên con đông lạnh để XK sang thị trường Trung Quốc.

Lo nhất con giống

Với diện tích thả nuôi hiện nay khoảng 680 – 700 nghìn ha, tôm nước lợ (trong đó ĐBSCL chiếm trên 90%) cho sản lượng hàng năm khoảng trên 600 nghìn tấn, XK trên 3 tỉ USD, chiếm trên 40% tổng kim ngạch XK của toàn ngành thủy sản.

Cùng với tôm thẻ chân trắng (TCT) đã được đầu tư nuôi bằng biện pháp thâm canh cao, tôm sú quảng canh có diện tích tới trên 500 nghìn ha nhưng năng suất mới chỉ xoay quanh 200 – 250 kg/ha, ở mức rất thấp. Tôm sú cũng là mặt hàng mà Việt Nam đang gần như độc quyền trên thị trường thế giới. Vì vậy đây là đối tượng nuôi còn dư địa phát triển vô cùng lớn.

Theo Tổng cục Thủy sản, phần lớn nguồn giống tôm sú đang phải khai thác từ tự nhiên (khoảng 30 nghìn con/năm). Trong khi đó, mặc dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu nhưng đến nay chưa có một dòng tôm giống nào được đưa vào SX thương mại.

Kể cả tôm TCT, hiện 100% tôm bố mẹ vẫn đang phải NK. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản có đề án chiến lược cho tôm nước lợ tại ĐBSCL.

Theo đó, mục tiêu tới 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu sẽ phải chủ động SX được trên 50% nhu cầu tôm TCT mẹ sạch bệnh và tăng trưởng nhanh, đồng thời gia hóa, chủ động SX được 70% nhu cầu tôm sú sạch bệnh…

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị cần phải sớm đưa tôm nước lợ là sản phẩm chiến lược quốc gia (tương tự cá tra) để tập trung nguồn lực cho ngành hàng này.

Đối với các giải pháp trước mắt từ nay đến cuối năm 2016, một trong các giải pháp là tập trung thả giống tôm cỡ lớn, đã được ươm khoảng 15-30 ngày để rút ngắn thời gian thả nuôi, kết hợp với thả mật độ thưa...

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo: Tổng cục Thủy sản phải sớm rà soát về diện tích tôm nước lợ có thể tăng từ nay tới cuối năm, dự báo và phân loại rõ theo các loại hình nuôi, đối tượng nuôi và địa bàn nuôi. Theo đó, phải rà soát toàn bộ nhu cầu giống, các cơ sở, DN sản xuất giống tôm để thống kê cụ thể về cung – cầu giống trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị trong 6 tháng tới, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm KN Quốc gia rốt ráo khâu phổ biến quy trình nuôi an toàn, tập huấn, mở rộng kênh tuyên truyền chuyên sâu cho người nuôi, bởi công tác này chưa thật sự hiệu quả thời gian qua.

Đồng thời, phải cùng với Cục Thú y kiểm soát chặt vật tư, nhất là kháng sinh trên thủy sản, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bị thị trường XK cảnh báo về dư lượng, nhất là các tháng cuối năm khi sản lượng tôm nguyên liệu tăng đột biến.

Chăn nuôi chúng ta chưa có XK đáng kể, song đã tự chủ được tới 45% thức ăn, một số DN lớn đã có công suất thức ăn tới 1,5 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, XK tôm chúng ta có tiềm năng tới 6 tỉ USD, hiện đã đạt hơn 4 tỉ USD/năm nhưng hai mảng “ngon ăn” nhất là giống và thức ăn lại đang phải đi NK nước ngoài hoàn toàn và để các Cty nước ngoài hưởng lợi. Đây là điều rất đau xót…

Về lâu dài, Bộ NN-PTNT sẽ sớm làm việc với Bộ KH-CN và Hội đồng chính sách khoa học Quốc gia nhằm đưa tôm nước lợ vào mặt hàng chiến lược quốc gia.

Theo đó sẽ phải xây dựng tôm Việt Nam không chỉ dừng lại ở nuôi tôm mà còn là ngành công nghiệp SX tôm, từ nuôi cho tới chế biến, vật tư đầu vào như thức ăn, con giống, thiết bị chế biến phụ trợ… (Thứ trưởng thường trực Nguyễn Xuân Cường).

01/07/2016
Lê Bền

Share: 

Tin tức khác