Thực trạng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam
Theo Báo cáo thường niên về doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nếu nông nghiệp là ngành có số lượng DN tăng trưởng ấn tượng, từ con số 787 năm 2007 lên 1.707 năm 2013, thì thủy sản lại có tốc độ tăng trưởng DN thấp, thậm chí có những năm số lượng DN giảm đi.
Báo cáo cho thấy xu thế phát triển DN trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản- các DN NTTS ngày càng phát triển, khối lượng thủy sản nuôi trồng dần bổ sung thay thế nguồn thủy sản khai thác. Trong khi số lượng DN khai thác thủy sản ngày một giảm đi, từ 926 DN năm 2007 xuống chỉ còn 668 DN năm 2013 thì số lượng DN NTTS lại tăng gần gấp 2 lần, từ 356 DN lên 926 DN. Với xu thế này, các DN nếu nắm bắt cơ hội, đầu tư mạnh vào NTTS, nhất là các đối tượng có thế mạnh như tôm và cá tra sẽ có thể thành công lớn trong thời gian tới.
Các DN chế biến thủy sản đang có sự phát triển chậm lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí còn suy giảm về số lượng. Tính đến năm 2013, Việt Nam mới chỉ có khoảng 1.120 DN chế biến thủy sản. Đáng chú ý, trong 5 năm giai đoạn 2008 - 2013, số lượng DN chế biến thủy sản chỉ tăng khoảng 100 DN, tức là khoảng 10% cho giai đoạn 2008 - 2013.
Với tính chất là một ngành thâm dụng lao động, tỷ lệ các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong chế biến thủy sản tuy thấp hơn mặt bằng chung của nền kinh tế, nhưng vẫn cao hơn và có xu hướng tăng lên, từ 77,8% năm 2007 lên 79,8% năm 2013. Đáng chú ý, vẫn còn hơn 1/3 số DN chế biến thủy sản có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 lao động. Trong khi đó, tỷ lệ các DN có quy mô lớn, trên 300 lao động lại giảm từ 17,7% năm 2007 xuống 15,6 % năm 2013. VCCI đánh giá, với quy mô sản xuất như vậy, rất khó để các DN tiếp cận đầu tư bài bản, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cao cấp. Nói cách khác, nếu không có những thay đổi mang tính đột phá. DN chế biến XK thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là về thị trường.
Theo phân tích của các chuyên gia, DN trong ngành thủy sản tuy số lượng ít và gặp muôn vàn khó khăn về vốn, nguyên liệu, con giống, áp lực thị trường… nhưng đã có tác động rất mạnh trong việc hình thành các chuỗi ngành và cụm ngành. Thủy sản cũng là ngành có hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng tài chính tốt nhất so với các ngành khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Đây chính là điều đáng quan tâm để cải thiện vấn đề không chỉ là từ con số DN mà là thực chất hoạt động của DN trong lĩnh vực này.
Hướng đi tất yếu
TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý: “Nói DN kinh doanh trong nông nghiệp và thủy sản, nhưng trong đó DN chủ yếu làm dịch vụ. Trong khi đó, chúng ta cần hơn là nhìn chuyện kinh doanh của DN theo một chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, trong đó có sự tham gia của nhiều thành phần, gồm cả hộ gia đình, DN xuất nhập khẩu, nhà phân phối lớn, nhà bán lẻ...”
Để khắc phục thực trạng, cùng với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhất là các thị trường XK, một số DN chế biến ở các tỉnh An Giang, Bến Tre… đã xây dựng mô hình liên kết dọc gắn kết các nhà sản xuất trong chuỗi sản xuất và chế biến XK. Điển hình là mô hình liên kết của Liên hợp sản xuất cá sạch APPU Agifish (Agifish Pure Pangasius Union), chuỗi liên kết cá tra của Tafishco An Giang, liên kết cá tra của Công ty Caseamex Cần Thơ và HTX Hiệp Phát 3, liên kết giữa HTX Thủy sản Tân Long và Công ty Đại Dương, chuỗi cung ứng tôm Minh Phú (liên kết giữa Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú với các nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc, hóa chất và hộ gia đình nuôi tôm)…
Việc hình thành các chuỗi liên kết giúp cân đối nguồn nguyên liệu giữa người nuôi và nhà máy chế biến, đồng thời còn giúp cân đối luôn về cung cầu của các công đoạn ở giữa như: con giống- thức ăn- thuốc, hóa chất thủy sản để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu. Nói cách khác, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi là xu thế tất yếu trong thời gian tới đối với ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó, DN phải giữ vai trò làm đầu tàu, định hướng cho toàn chuỗi, tiếp cận với các thị trường cao cấp và có lợi nhuận tốt.
Theo kiến nghị của các nhà hoạch định chính sách và DN, nước ta cần kiên định các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và chú trọng tới các chính sách phát triển ngành kinh doanh nông nghiệp và thủy sản tổng hợp.
Muốn nâng cao giá trị cho sản phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hơn hết ngành thủy sản rất cần đến vai trò tiên phong của DN, không chỉ riêng DN trong nước mà còn có thể kêu gọi, khuyến khích cả DN nước ngoài tham gia chơi sân chơi chung để phát triển DN trong lĩnh vực này.