Hội nhập đang đặt ra thách thức thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) đối với ngành thủy sản. Để thực hành trách nhiệm “lạ mà quen” này, không chỉ đòi hỏi ý thức của doanh nghiệp mà cần có sự đồng hành của Nhà nước.
Trách nhiệm không xa lạ
Thủy sản là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhất và có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay. Sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt tại 164 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang phải đối mặt với thách thức lớn khi ngày càng nhiều thị trường yêu cầu doanh nghiệp thủy sản đáp ứng việc thực hành CSR. Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thủy sản, việc thực hiện CSR trong ngành thủy sản Việt Nam mới bước đầu tập trung ở các nhà máy chế biến thủy sản (khoảng 30% số nhà máy) và gần như bỏ ngỏ đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện nay vẫn còn mơ hồ về CSR.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), CSR là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội. Nói cách khác, thực hành CSR chính là việc đáp ứng các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, sản xuất thân thiện với môi trường, khai thác có tính đến bảo vệ nguồn thủy sản và bảo đảm các quyền của người lao động. Do đó, thông qua việc ban hành hệ thống quy định về lao động, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, từ trước đến nay Nhà nước ta luôn yêu cầu các doanh nghiệp thực thi CSR, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền nhấn mạnh. Có nghĩa là, việc thực hành CSR không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác mà còn là nghĩa vụ của doanh nghiệp trước pháp luật.
Vai trò đầu tàu của Nhà nước
Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam Hoàng Đình Yên: “Việc nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và người dân không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho ngành thủy sản mà còn vì mục tiêu lớn hơn là phát triển bền vững và hiểu rộng ra là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự công bằng giữa các thế hệ trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường”. |
Theo ông Nguyễn Huy Điền, có 2 nguyên nhân khiến các doanh nghiệp của ta bị đánh giá là thực hành CSR kém. Trước hết, một số quy định pháp luật của ta có yêu cầu thấp hơn tiêu chuẩn của các đối tác quốc tế. Nhưng nguyên nhân chủ yếu hơn là việc thực thi pháp luật của các doanh nghiệp thủy sản nói chung chưa thực sự nghiêm. Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, không phải họ không muốn thực hành CSR mà hiện còn nhiều cản trở khách quan, cần đến sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cát Bà, Hải Phòng Hoàng Văn Lợi chia sẻ, một tình trạng khá phổ biến hiện nay là người lao động trên tàu cá không được ký kết hợp đồng lao động, hoặc có được ký hợp đồng nhưng chỉ được nhận mức lương thấp hơn mức lương cam kết. Tình trạng này xuất phát từ cả 2 phía. Đa số tàu hiện nay là tàu có công suất nhỏ, chỉ đánh bắt ngắn ngày nên bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chủ tàu khó bảo đảm lương đều đặn cho người lao động. Trong khi đó, bản thân người lao động cũng không muốn ký hợp đồng hoặc không mặn mà với ngày công bởi thực tế người đánh bắt thủy sản thu nhập chủ yếu từ phần trăm lợi nhuận từ thủy sản đánh bắt được. Nếu ký hợp đồng thì họ sẽ bị ràng buộc với chủ tàu, kể cả trong trường hợp tàu hoạt động không hiệu quả. Tình trạng trên xuất phát từ thực tế khách quan là trình độ sản xuất của ngành thủy sản, đặc biệt là ngành khai thác và chăn nuôi chưa cao. Muốn khắc phục, giải pháp duy nhất là Nhà nước cần có chiến lược rõ ràng về tái cơ cấu ngành thủy sản tiến tới hình thành chuỗi sản xuất khép kín.
Mặt khác, nếu một số quy định pháp luật được sửa đổi để sát với thực tế của ngành thủy sản hơn thì việc thực hành CSR của doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Ví dụ quy định về giờ làm, đại diện công ty Vina Clean Foods cho rằng, với đặc thù ngành thủy sản là phải làm nhanh trước khi nguyên liệu biến chất, đôi khi rất khó để các doanh nghiệp bảo đảm người lao động không làm quá 8 tiếng/ngày. Tương tự một số quy định về bảo hiểm, sử dụng lao động nữ… Muốn sửa đổi những quy định này không khó, chỉ cần có sự đối thoại cởi mở giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý để ban hành những quy định sát thực hơn.
Từng là Phó giám đốc Sở NN và PTNT Bến Tre, Chủ tịch Hội nghề cá Bến Tre Trần Thu Nga chia sẻ, Nhà nước tác động đến doanh nghiệp thông qua đòn bẩy kinh tế và giải pháp hành chính. Trong đó, đòn bẩy kinh tế bao gồm các chính sách vĩ mô và các điều tiết vi mô như ban hành bộ tiêu chuẩn, các giải pháp hỗ trợ sản xuất. Giải pháp hành chính là việc giám sát tuân thủ pháp luật. Trong quá trình này, không thể thiếu việc liên tục đối thoại với doanh nghiệp và cộng đồng để ban hành các chính sách phù hợp và sửa đổi những quy định không còn hợp lý. Nếu Nhà nước làm tốt vai trò đầu tàu, thì doanh nghiệp ngành thủy sản chắc chắn sẽ quen với việc thực hành CSR.