Tàu được trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu Polyurethane (PU foam) thời gian bảo quản tăng từ 7 ngày lên trên 20 ngày, chất lượng vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện tàu cá nước ta bảo quản sản phẩm sau khai thác chủ yếu là dùng đá xay, ướp muối theo phương pháp truyền thống.
Chưa có tàu nào sử dụng công nghệ cấp đông nên hao hụt lớn sau khai thác, gây lãng phí nguồn lợi và hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy việc tăng cường quản lý, kiểm soát quy trình bảo quản, xử lý nguyên liệu trên tàu của ngư dân là hết sức cần thiết.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, công tác bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, tổn thất sau thu hoạch lên đến từ 20 - 30%.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết thêm, đối với tàu khai thác cá ngừ đại dương cũng vậy, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp.
Mặc dù cuối năm 2011, khai thác cá ngừ phát hiện nghề câu tay kết hợp ánh sáng đã cải thiện năng suất, song chất lượng sản phẩm vẫn kém. Nếu ngư dân cải thiện được nhược điểm này thì sẽ mang lại hiệu quả cao.
Tại diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp với chủ “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ khu vực miền Trung” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Khánh Hòa, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các tàu cá có được công nghệ bảo quản sản phẩm tốt, giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản mà chất lượng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn XK.
Để đáp ứng được yêu cầu này, việc ứng dụng công nghệ đóng hầm bảo quan bằng vật liệu PU foam ra đời đã khắc phục nhược điểm, phù hợp với điều kiện SX và phương tiện tàu thuyền nước ta.
Ông Nguyễn Văn Lung, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam là công nghệ mới. Đối với những nước tiên tiến thì công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trong tàu cá, nhưng ở nước ta mới trong giai đoạn đầu.
Theo ông Lung, vật liệu PU foam là nhựa tổng hợp dạng bột cứng, được tạo thành từ 2 loại chất lỏng chính là Polyol và hỗn hợp các chất polymethylene, polyphenyl, Isocyanate được phối trộn với tỷ nhất định.
Sau đó nhờ một thiết bị chuyên dụng giúp giãn nở và lấp đầy các khoảng trống tạo thành chất bọt có tác dụng cách nhiệt rất tốt, phủ dày từ 10 - 12 cm xung quanh hầm tàu.
Tuy nhiên, để đảm bảo VSATTP, sau khi phun đầy PU foam vào khoảng trống ở xung quanh hầm bảo quản, tiếp đến tiến hành bọc Inox 304 vào vách hầm để sản phẩm bảo quản không tiếp xúc với ván vỏ tàu; đồng thời dễ dàng cho công tác vệ sinh sau mỗi chuyến biển.
“Khi tàu trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam thời gian bảo quản tăng từ 7 ngày lên trên 20 ngày chất lượng vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hầm giữ trữ nước đá với tỷ lệ hao hụt dưới 5% trong thời gian 20 ngày.
Hơn nữa khi tàu chạy từ biển khơi vào bờ đối với hầm bảo quản tốt cũng không cần chạy nhanh mà chỉ chạy tốc độ vừa phải (thấp ga) nên sẽ giảm được chi phí nguyên liệu”, ông Lung chia sẻ.
Tại Khánh Hòa, hiện có khoảng trên dưới 25 tàu lắp đặt hầm bảo quản bằng vật liệu Polyurethane và hầu hết ngư dân đánh giá hiệu quả mang lại khả quan như sản phẩm được bảo quản sạch, chất lượng tăng lên, giảm chi phí SX, tăng lợi nhuận cho ngư dân sau chuyến khai thác.
Ngư dân Ngô Văn Phụng ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang), một chủ tàu được Viện KHCN khai thác thủy sản (ĐH Thủy sản Nha Trang) tư vấn và hỗ trợ 1 hầm bảo quản hải sản bằng Inox cho biết, độ tươi của cá được nâng lên đáng kể so với trước đây bảo quản bằng hầm vật liệu Styropore (xốp trắng). Cá khi khai thác mang vào bờ tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng giảm đáng kể, nhờ vậy bán giá cao, nâng cao thu nhập sau mỗi chuyến biển.
“Tôi thấy việc sử dụng hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam khắc phục được các nhược điểm ở hầm bảo quản truyền thống, đáp ứng các yêu cầu cá không bị trầy, độ lạnh được trải đều, chất lượng cá bảo quản được đảm bảo lâu dài. Nhờ vậy ngư dân có thể bám biển lâu dài và giúp chủ tàu tăng sản lượng đánh bắt”, ông Phụng nhận xét. |