Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) là một vấn đề không hề mới nhưng vẫn giữ nguyên tính hấp dẫn đối với toàn xã hội. Câu chuyện chứng nhận MSC nghêu Bến Tre (2009) đã đưa doanh thu của hợp tác xã nghêu tăng 165% và mở rộng thêm 50% thị trường so với 2008 vẫn là một câu chuyện hấp dẫn của ngành thủy sản Việt Nam.
Chứng nhận MSC và ý nghĩa xã hội
Chương trình chứng nhận MSC là một chương trình do Hội đồng Biển Quốc tế (MSC) tiến hành nhằm tìm kiếm và quảng bá các nghề cá khai thác bền vững (khai thác từ tự nhiên). Nghề cá nhận được chứng nhận MSC nếu thỏa mãn ba điều kiện:
1. Nghề cá phải được tiến hành theo cách thức không gây ra tình trạng khai thác quá mức hoặc cạn kiệt quần thể đối tượng khai thác. Đối với quần thể bị cạn kiệt, nghề cá phải được tiến hành theo cách thức hướng tới sự khôi phục của quần thể đó.
2. Hoạt động khai thác phải đảm bảo duy trì cấu trúc, sức sản xuất, chức năng và sự đa dạng của hệ sinh thái (gồm sinh cảnh và các loài phụ thuộc, có liên quan về mặt sinh thái) mà nghề khai thác phụ thuộc vào.
3. Nghề cá phải được quản lý hiệu quả, tôn trọng luật pháp và tiêu chuẩn địa phương, quốc gia và quốc tế, có một khuôn khổ về thể chế hoạt động chặt chẽ và sử dụng nguồn lợi có trách nhiệm, bền vững.
Như vậy các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể của MSC đã nêu ra và quy định rất rõ các vấn đề về trách nhiệm xã hội đối với hoạt động nghề cá. Đó là các vấn đề về an toàn môi trường, khai thác bền vững và chú trọng đến các quyền hợp pháp, sinh kế của cộng đồng người sống phụ thuộc vào khai thác.
Câu chuyện chứng nhận MSC nghêu Bến Tre
Nghề khai thác nghêu ở Bến Tre là một trong những nghề thủ công truyền thống ở khu vực ven biển phía nam Việt Nam. Phương pháp khai thác của nghề này là thu hoạch bằng tay, thường là ở các khu vực đã rải nghêu giống trong các năm trước.
Khi áp dụng Chương trình MSC, cộng đồng nghề khai thác này được tổ chức theo hình thức hợp tác xã, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) do các ngư dân lựa chọn trong cuộc họp toàn thể xã viên hợp tác xã. Ban chủ nhiệm chịu trách nhiệm về tổ chức sản xuất, lực lượng lao động, quản lý tài chính và tiêu thụ. Các xã viên hợp tác xã sẽ được trả tiền cho những ngày công của họ và được chia lợi nhuận vào cuối mỗi năm. Theo chương trình này Hợp tác đã xây dựng các nội quy, quy định, thống nhất và hướng dẫn cho các thành viên tuân thủ thực hành, áp dụng.
- Ngư cụ khai thác có độ chọn lọc cao, ít tác động tới môi trường và hệ sinh thái và không có đối tượng bị khai thác không chủ ý. Việc thu hoạch nghêu thương phẩm diễn ra quanh năm nhưng mùa chính vụ là từ tháng 4 đến tháng 10. Nghêu được thu hoạch thủ công với một cào sắt nhỏ khi triều xuống. Ngư dân sử dụng lưới để để lại những con nhỏ. Cào sắt có thể đính kèm với lưới, có thể không. Kích thước của cào và mắt lưới phải tuân theo quy định của HTX. Việc sử dụng các phương tiện công nghiệp để thu hoạch nghêu bị cấm hoàn toàn. Các bao nghêu thu hoạch được cân kiểm đếm khi chuyến tới tàu vận chuyển đậu ở lạch, trước khi chuyển tới nhà máy chế biến.
- Hợp tác xã quy định vùng cấm khai thác, trong quá trình khai thác để lại nghêu to làm nghêu bố mẹ.
- Mô hình quản lý các HTX đảm bảo việc quản lý, theo dõi và giảm thiểu việc khai thác bất hợp pháp.
Lợi ích đạt được chứng nhận MSC ở Bến Tre
Sau khi nghề khai thác nghêu ở Bến Tre được đánh giá toàn diện theo tiêu chuẩn MSC, mặc dù chưa nhận được chứng nhận, giá nghêu đã tăng 25-30%, doanh thu của các hợp tác xã nghêu đã tăng 165%, số lượng thị trường cũng tăng lên 50% so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu của Sở NN&PTNT Bến Tre, 2009). bán lẻ ở ngoài Việt Nam đã xem xét việc nhập sản phẩm của nghề này.
Trước đây nghêu Bến Tre thường chỉ được bán dưới dạng nghêu thịt. Sau khi có chứng nhận MSC, nghêu được bán dưới dạng nguyên con mà giá cao hơn đến 30-50%. Nếu như trước đây, sản phẩm chưa rõ về nguồn gốc và phương thức khai thác nên thị trường không chấp nhận sản phẩm nghêu nguyên con của Bến Tre. Nhưng sau khi có chứng nhận, sản phẩm nghêu nguyên con được chấp nhận, như vây chi phí sản xuất vừa giảm hơn mà doanh thu lại cao hơn.
Không chỉ có các lợi ích về măt thị trường, nghê nghêu Bến Tre còn nhận được những lợi ích ẩn chứa khác thông qua quá trình xin cấp chứng nhận MSC như i) nâng cao nhận thức cộng đồng; ii) thay đổi và cải thiện hệ thống quản lý nghề cá; iii) nâng cao hình ảnh nghề cá trong nước và quốc tế; iv) tạo liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm; v) góp phần thúc đẩy phát triển của ngành theo hướng bền vững.
Sau khi có chứng nhận MSC, nghề nghêu được nhiều đơn vị chế biến xuất khẩu quan tâm tới, vì vậy việc duy trì nguồn lợi và môi trường bền vững cho nghề này là một vấn đề cần phải chú ý.
Ông Tưởng Phi Lai – Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bên vững (ICAFIS) chia sẻ: Thông qua dự án “Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội (CSR) trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản Việt Nam” hỗ trợ bởi OXFAM, chúng tôi mong muốn không chỉ có một câu chuyện của nghêu Bên Tre mà có thêm nhiều cậu chuyện trong thủy sản, qua đó thủy sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị, hình ảnh và nâng tầm thế giới.
ICAFIS
ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)