Ngày 1-9, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Trung tâm ICAFIS (Hội nghề cá Việt Nam), Dự án tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á - Graisea 2 tổ chức diễn đàn “Tôm Việt Nam 2021 online - giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19”.
Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm cần đẩy mạnh thu mua để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay, diện tích thả nuôi tôm cả nước đạt 711.766ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 8 tháng năm 2021, sản lượng tôm tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng giá bán tôm thương phẩm giảm 10.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động bởi dịch Covid-19.
Các đại biểu dự diễn đàn đều cho rằng, tình hình sản xuất, tiêu thụ tôm đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, các cơ sở chủ động giảm sản lượng 30-50% hoặc tạm dừng hoạt động. Dự báo, các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu. Từ tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tôm rất lớn, khi hết giãn cách xã hội sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan quản lý cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý giá thức ăn; xem xét, kiến nghị Chính phủ giảm tiền điện cho người nuôi tôm ở mức phù hợp 10-30% nhằm phần nào bù đắp khó khăn cho sản xuất; đồng thời, có các chương trình vay vốn, quỹ tín dụng cho các nhà máy chế biến, cung ứng vật tư đầu vào, có sự hỗ trợ về giá đối với người nuôi…
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, con tôm rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản. Nếu để xảy ra đứt gãy chuỗi thủy sản nói chung và chuỗi sản xuất, nuôi trồng tôm nói riêng sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người nuôi tôm, công nhân chế biến và doanh nghiệp. Do đó, các địa phương cần xem xét lại quy trình nuôi tôm cho phù hợp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19; người nuôi tôm cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch. Các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội này mà ép giá gây thiệt hại cho người nuôi; huy động các kho dịch vụ chứa tôm nguyên liệu. Cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ, tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Ngọc Quỳnh - Báo Hà Nội Mới
http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Nong-nghiep/1010716/khong-de-dut-gay-chuoi...