Nghiên cứu tác động về môi trường, dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến tại ĐBSCL

Ngày 03/3/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu tác động về môi trường, dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Thú Y, Hội Nghề cá Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT một số tỉnh ĐBSCL, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cùng các phóng viên báo đài đến đưa tin Hội thảo. Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chủ trì Hội thảo.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản, trong giai đoạn năm 2000 đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng gia tăng về cả diện tích và sản lượng, trong đó chủ yếu là nuôi tôm sú. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế cũng như nhu cầu về thị trường ngày càng cao nhiều địa phương đã có xu hướng chuyển diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2016, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng ĐBSCL đạt khoảng 638 nghìn ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú đạt 566 nghìn ha và diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hơn 71 nghìn ha. Sản lượng tôm nước lợ toàn vùng đạt 566 nghìn tấn.

Hiện nay, nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL chủ yếu theo hình thức thâm canh - bán thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng, nuôi QC/QCCT đối với tôm sú, nuôi tôm sinh thái, tôm – lúa, tôm rừng. Riêng đối với mô hình nuôi QCCT chuyên tôm hiện Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 175 nghìn ha chủ yếu là tôm sú. Trong vài năm trở lại đây tôm thẻ chân trắng đã được người dân đưa vào trong mô hình nuôi QC/QCCT chuyên tôm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đánh giá về thực trạng canh tác của mô hình này.

Trước những thực trạng về vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt là tính hiệu quả kinh tế đối với nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình QC/QCCT mang lại so với các mô hình khác. Do đó, người dân tại các tỉnh ĐBSCL mong muốn có chủ trương cho phép áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình QC/QCCT. Trước đó, do lo ngại về tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học cho vùng nước nội địa và một số vấn đề liên quan đến môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa có chủ trương triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình QC/QCCT chuyên tôm.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế  Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) cho biết hiện nay dư địa cho ngành tôm trên thế giới đang còn lớn. Việt Nam đang có lợi thế nhất định trong sản phẩm tôm của toàn cầu. Tuy nhiên, so với tôm thẻ chân trắng thì tôm sú của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó ít đối thủ cạnh tranh hơn vì hiện nay chỉ còn 5 nước cung cấp chủ yếu tôm cho thị trường quốc tế là Băng – La - Đét, Việt Nam, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a và Phi-lip-pin. Do đó, chúng ta cần có định hướng chiến lược phát triển đối tượng nuôi hợp lý để tận dụng tối đa lợi thế của sản phẩm tôm.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù chưa có chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình QC/QCCT chuyên tôm, nhưng do năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại cao hơn so với mô hình nuôi khác. Mặt khác, nuôi theo mô hình QC/QCCT tôm thẻ chân trắng thời gian nuôi ngắn hơn nên người dân tại Cà Mau đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình này.

Trước yêu cầu thực tiễn như hiện nay các đại biểu tham đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT có chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức QCCT chuyên tôm. Tuy nhiên, đi kèm với đó các đại biểu cho rằng, các cơ quan quản lý cần đưa ra các điều kiện về vùng nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chất lượng con giống cũng như chủ động nghiên cứu để tạo ta tôm giống bố mẹ trong nước sạch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Đình Luân cho biết định hướng sản xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT là đưa ngành tôm phát triển một cách bền vững dựa trên thế mạnh và cân đối hiệu quả kinh tế cũng như lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, cần nghiên cứu nhu cầu của thị trường để xác định cơ cấu về diện tích giữa hai đối tượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý, tránh mất cân đối cung – cầu và để tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Dựa trên các kiến nghị của các địa phương, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT về chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình QC/QCCT chuyên tôm.

Văn Thọ

Hội thảo “Nghiên cứu tác động về môi trường, dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long” được Tổng cục thủy sản, Trung tâm HTQT Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), WWF Việt Nam phối hợp tổ chức trong khuân khổ dự án "Chuỗi giá trị tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam - SusV".

Share: 

Tin tức khác