NÊN HAY KHÔNG NÊN LOẠI BỎ THƯƠNG LÁI TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ TÔM ?

Trong cơ cấu kinh tế nông/lâm/thủy sản nước ta, ngành hàng tôm đóng một vai trò quan trọng. Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 ước đạt 7,9 tỷ USD tương ứng khoảng 3.413.300 tấn thủy sản các loại, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2013, sự tăng trưởng kỷ lục này chủ yếu nhờ vào kết quả xuất khẩu của mặt hàng tôm, với giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay khoảng 4,1 tỷ USD, tương ứng khoảng 631.457 tấn, tăng 25% so với năm 2013. Xuất khẩu thủy sản trong năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD giảm 16,1%, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD, giảm 25%. Ngành hàng tôm cũng tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 700.000 nông hộ. Nhà nước và các viện nghiên cứu cũng đã có nhiều nghiên cứu/giải pháp nhằm cải thiện chuỗi giá trị tôm, nhưng các nghiên cứu/giải pháp này, hầu hết đều không coi trọng vai trò của tác nhân thương lái hoặc thậm chí cố gắng loại bỏ tác nhân này ra khỏi chuỗi, vậy trong thực tế tác nhân này có thực sự quan trọng với sự bền vững của chuỗi và có NÊN HAY KHÔNG NÊN loại bỏ thương lái trong chuỗi giá trị tôm?

Thương lái là ai và vai trò của họ trong chuỗi giá trị:

Thương lái là một bộ phận doanh nhân của nền kinh tế thị trường, là mắc xích quan trọng trong hệ thống phân phối ngành hàng nông – thủy sản Việt Nam, thương lái là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, vai trò đó của thương lái không mất đi mà được nâng lên ở mức cao hơn.

Nhưng trong thực tế ngành hàng tôm hiện nay, các Nhà máy chế biến không thể tổ chức được các hình thức thu mua được tôm nguyên liệu trực tiếp tại ao của nông dân (do các vấn đề về nhân lực, kinh nghiệm, vốn và trong khâu tuyển chọn, vận chuyển  & bảo quản). Bên cạnh đó bản thân người nuôi cũng không thể gạt bỏ người thương lái và giao dịch trực tiếp với Nhà máy chế biến do các vấn đề về tài chính, số lượng nhỏ, nhân lực, vận chuyển….Như vậy càng thấy rõ được vai trò quan trọng của người thương lái. Trong các nghiên cứu của Đại học Cần Thơ, WWF, ICAFIS về hoạt động mua bán tôm sú, tôm thẻ trong năm 2011, 2015, 2016 tại 5 tỉnh trọng điểm là Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã chỉ ra thương lái thu mua tôm nguyên liệu từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ (chiếm 65% - 79,8% tổng sản lượng chuỗi) sau đó bán lại cho các thương lái/vựa lớn hơn, các thương lái/vựa này sẽ bán phần lớn lượng tôm nguyên liệu thu mua được cho các Nhà máy chế biến (chiếm 51,3% - 67,5% tổng sản lượng chuỗi), phần còn lại sẽ được bán ra các chợ để tiêu thụ trong nước.

 

Ngoài ra, phương thức mua bán của thương lái cũng nhanh gọn, đơn giản, trả tiền ngay. Với hộ nghèo cần mua vật tư, hàng hóa phục vụ đời sống, họ khó có thể cho vay ngay, kịp thời, có thể trả theo mức thỏa thuận hoặc vay không lãi với điều kiện giá bán nông - thủy sản cho họ thấp hơn… Trong khi đó ngân hàng, doanh nghiệp khó đáp ứng được vì còn qua nhiều thủ tục hoặc sợ rủi ro trong đầu tư. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò không thể thiếu của thương lái trong chuỗi giá trị tôm.

Bên cạnh đó thương lái có một số ưu điểm khác mà các tác nhân khác trong chuỗi không có:

- Là lực lượng thu mua chủ yếu: thương lái là lực lượng thu mua chiếm số lượng lớn, có vốn, có phương tiện vận chuyển đa dạng.

- Phương thức mua bán linh hoạt: thương lái rất cơ động, linh hoạt và mềm dẻo trong việc xác định giá cả và phương thức thanh toán cũng như phương thức hỗ trợ nông dân.

- Am hiểu nông – công - thương: có nhiều kinh nghiệm và rất nhạy cảm về giá, chất lượng hàng hoá, am hiểu địa bàn, hiểu tâm lý nông dân và doanh nghiệp.

- Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày.

- Uy tín với nông dân địa phương là ưu điểm lớn nhất của tác nhân này.

Tuy nhiên thương lái đồng thời cũng là tác nhân gây mất sự bền vững của chuỗi khi họ chạy theo tín hiệu thị trường dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá và mất mùa được giá" sử dụng quyền lực và lợi thế của mình về tài chính, kênh tiêu thụ, nguồn khách hàng hoặc sự đứng sau các doanh nghiệp để thực hiện: i) ép cấp, hạ giá, cân điêu đối với người nuôi; ii) che giấu sản lượng bán ra, khai thấp giá bán, trốn thuế, thiếu minh bạch, bơm tạp chất, dùng hóa chất độc hại để bảo quản nguyên liệu mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm…

Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều phương thức kinh doanh khác nhau nhưng trong sản xuất tôm thì vẫn sản xuất nhỏ lẻ. Do đó vai trò của thương lái vẫn rất cần thiết, vì không phải tất cả nông dân điều có thể bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp cũng không đủ sức để làm điều này. Mặt khác tôm nguyên liệu là mặt hàng tươi sống, chưa qua sơ chế nên dễ hư hỏng, cần thiết phải có sự thu gom, bảo quản, vận chuyển, chế biến kịp thời.

Để có thể thích ứng với cơ chế thị trường hiện nay thì các thương lái phải tự nâng mình lên thành các doanh nhân chứ không còn là những người buôn bán nhỏ lẻ như trước nữa. Thêm vào đó, các nhà quản lý cũng phải tìm ra được mô hình thích hợp nhằm tận dụng những ưu điểm và giảm thiểu những tác động tiêu cực của họ nhằm tạo ra một chuỗi giá trị bền vững và chia sẻ lợi ích công bằng.

Một số đề xuất của ICAFIS cho việc duy trì và phát triển tác nhân thương lái/thu gom trong chuỗi giá trị tôm:

- Cần có những cuộc điều tra tổng thể về lực lượng này trong ngành thủy sản đặc biệt là chuỗi giá trị tôm nhằm phân tích rõ các mặt tích cực cũng như tiêu cực của họ trong thời gian qua nhằm đưa tác nhân này vào luồng sản xuất, kinh doanh một cách chính thống, có kiểm soát.

- Thành lập các tổ chức quản lý cho riêng tác nhân này như hiệp hội thương lái hay liên minh thương lái trên cơ sở tự nguyện tham gia.

- Mở rộng mối liên kết giữa doanh nghiệp và lực lượng thương lái trong sản xuất nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, quy định địa bàn thu gom theo vùng, khu vực, ký kết hợp đồng cụ thể.

- Có khuôn khổ pháp lý nhằm ngăn chặn và xử lý mạnh đối với các hành vi trục lợi trong việc ép cấp, hạ giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh, cấu kết với thương lái nước ngoài tranh mua, tranh bán, lũng đoạn thị trường trong nước.

 Bửu Quân - ICAFIS

Share: 

Tin tức khác