Góc nhìn kinh tế
Sau thời gian giảm giá sâu, từ tháng 7 đến nay, giá tôm thẻ đều đặn tăng lên và hiện đã đạt mức kỳ vọng của người nuôi tôm. Trái ngược với giá tôm thẻ, giá tôm sú cứ “trôi” dần từ cao xuống thấp tạo nên những cung bậc buồn vui lẫn lộn trong vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018 này.
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá tôm thẻ có phần tăng mạnh hơn và hiện nông dân đã có thể bán được tôm thẻ loại 100 con/kg với mức giá 90 đến hơn 100 ngàn đồng/kg. Đây mới chính là mức giá mà người nuôi tôm kỳ vọng, bởi chỉ có giữ ở mức giá này, người nuôi tôm mới đảm bảo được lợi nhuận tương xứng với chi phí đầu tư. Giá tôm thẻ tăng lên là điều đã được các doanh nghiệp dự đoán trước bởi khi bước vào tháng 9 cũng là thời điểm các hợp đồng được tập trung ký kết và doanh nghiệp bước vào cao điểm sản xuất chuẩn bị nguồn hàng giao cho đối tác phục vụ thị trường lễ tết cuối năm.
Dù được dự báo trước rằng giá tôm thẻ sẽ tăng nhưng nhiều hộ nuôi tôm chỉ biết nhìn giá mà tiếc rẻ một phần do điều kiện nuôi đã không còn phù hợp, phần khác do không đủ khả năng để tiếp tục thả nuôi. Tuy nhiên, dù muốn dù không thì việc giá tôm thẻ tăng lên mức kỳ vọng cũng là tin vui cho người nuôi tôm bởi theo số liệu báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đến trung tuần tháng 9, số diện tích tôm chưa thu hoạch vẫn còn khoảng 18.000ha; trong đó, tôm sú khoảng 10.000ha còn lại là tôm thẻ.
Nếu như người còn tôm thẻ đang vui mừng nhờ giá tăng lên thì người nuôi tôm sú lại kém vui vì giá tôm sú đang giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Anh Phạm Hồng Văn, thành viên HTX Hưng Phú (Cù Lao Dung), chia sẻ: “Đầu năm nay, giá tôm thẻ xuống thấp trong khi giá tôm sú tăng cao nên tôi chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm sú. Đến khi thu hoạch thì giá tôm sú lại giảm mạnh xuống chỉ còn 150 ngàn đồng/kg loại 30 con/kg nếu bán tôm ướp đá, còn bán tôm ô xy cũng chỉ được 175 ngàn đồng/kg, tính ra vẫn có lợi nhuận khá, nhưng nếu so với đầu năm, mỗi ký tôm bán thời điểm này người nuôi mất khoảng 25 – 30 ngàn đồng”.
Những cung bậc buồn vui pha lẫn thấp thỏm, lo âu của nghề nuôi tôm ở vụ nuôi năm nay người viết đã được chứng kiến không ít nhưng không quá xa lạ, bởi lâu nay, phần lớn người nuôi tôm và cả người trồng trọt, chăn nuôi đều tập trung cho mỗi nhiệm vụ là làm sao sản xuất đạt năng suất, chất lượng, còn giá bán thì đến khi thu hoạch mới biết được. Không chỉ có giá bán, ngay cả giá vật tư đầu vào họ cũng không thể quyết được, mà tất cả đều do thị trường quyết định. Đây cũng chính là hạn chế lớn nhất làm cho sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng thiếu đi tính bền vững. Điều này ai cũng thấy, cũng biết và cũng có không ít những giải pháp được triển khai với trọng tâm là thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, nhưng kết quả thì vẫn chưa như mong đợi.
Gần đây, một số HTX nuôi tôm trong tỉnh cũng thực hiện được liên kết nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế như ASC gắn với hợp đồng tiêu thụ, nhưng mức giá cũng chỉ dừng lại ở các con số cao hơn giá thị trường bao nhiêu phần trăm chứ chưa có được một mức giá cố định đủ để cho họ yên tâm sản xuất. Đây thực sự là bất lợi cho người nuôi tôm nhưng để giải quyết vấn đề này là không hề đơn giản do phần lớn diện tích nuôi tôm còn nhỏ lẻ, số nuôi đạt chuẩn quốc tế cũng không nhiều, nên rất khó để doanh nghiệp mạnh dạn ký kết hợp đồng lớn có giá trị trong thời gian dài.
Giá tôm thẻ tăng trở lại mức kỳ vọng nhưng giá tôm sú lại giảm mạnh so với đầu năm khiến niềm vui ở vụ tôm năm 2018 chưa trọn vẹn
Chính việc không biết trước được giá bán lúc thu hoạch sẽ như thế nào, nên nông dân thường chạy theo giá cả thị trường, làm sản xuất thiếu đi tính ổn định, mà vụ tôm nay là một điển hình. Còn nhớ, trong 5 tháng đầu năm, giá tôm thẻ luôn ở mức thấp khiến không ít người nuôi bị thua lỗ, trong khi giá tôm sú cao chót vót. Vậy là một phần diện tích nuôi tôm thẻ bắt đầu được nông dân chuyển sang nuôi tôm sú một phần là để bán được giá cao và một phần là để giảm chi phí đầu tư mà không cần biết đến thông tin thị trường. Kết quả là giá tôm sú quay đầu giảm mạnh so với đầu năm, nhưng cũng may là vẫn còn đảm bảo cho người nuôi mức lợi nhuận có thể chấp nhận được.
Nghề nuôi tôm vốn dĩ luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, từ thời tiết, môi trường, dịch bệnh cho đến cả thị trường, nhưng bù lại nếu trúng mùa, được giá thì lợi nhuận rất cao. Có lẻ đó cũng chính là sức hút, là chỗ dựa để ngành tôm tiếp tục duy trì và phát triển.
Tích Chu