Cá rô phi là loại thủy sản sinh trưởng, phát triển rất nhanh nhưng giá bán rất thấp và khó tiêu thụ. Thế nhưng, chị Huỳnh Thị Ly - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên) đã có ý tưởng khởi nghiệp từ cá rô phi; đồng thời đã tạo việc làm cho một số chị em phụ nữ ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Ly cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 1,3ha diện tích nuôi tôm nước lợ. Theo đường thoát nước, cá rô phi vào vuông tôm và sinh sản rất nhanh, vì vậy trong ao nuôi có rất nhiều cá nhưng khi bán không được giá, lại ít người mua”. Chị Ly chia sẻ thêm: “Trước đó, tôi làm cá rô phi rồi đem phơi khô dự trữ làm thức ăn cho gia đình. Cá nhiều làm khô ăn không hết nên tôi mới nghĩ ra cách sử dụng cá rô phi làm khô và chả cá để bán. Không ngờ khi sản phẩm làm ra được khách hàng ưa chuộng nên tôi quyết định chế biến khô cá rô phi với số lượng nhiều hơn để cung ứng ra thị trường”.
Tất cả các công đoạn chế biến sản phẩm đều làm bằng thủ công, đảm bảo sạch và an toàn.
Để có nguồn nguyên liệu, ngoài cá rô phi có sẵn trong vuông tôm của gia đình, chị Ly thu mua cá trong các ao tôm ở địa phương và các xã lân cận với giá từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng/kg. Cá mua về làm sạch, bỏ da, lạng lấy thịt cá để chế biến thành khô và chả cá. Tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công và không dùng chất bảo quản. Sản phẩm làm ra được bà con địa phương đánh giá cao và bán đắt hàng. Chia sẻ về sản phẩm chả cá, chị Ly cho biết thêm: “Để chế biến sản phẩm chả cá sạch và an toàn cho người tiêu dùng, tôi tuyệt đối không sử dụng hóa chất để bảo quản. Để chả cá không bị tanh, mỗi công đoạn đều được làm rất kỹ, trước khi làm phải xả nhiều lần với nước cho sạch, xả xong vắt hết nước cho khô”.
Trước khi thành công với 2 mặt hàng khô và chả được chế biến từ cá rô phi ở địa phương, chị Ly được biết đến với sản phẩm bánh phồng tôm đất, nay chị tiếp tục làm thêm mặt hàng mới là cá chà bông. Sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng và giá cả vừa với túi tiền nên “tiếng lành đồn xa”, các mặt hàng chế biến từ con cá rô phi cũng như mặt hàng bánh phồng tôm đất của chị được nhiều người biết đến.
Nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng lên, mỗi ngày cơ sở của chị thuê từ 7 đến 10 chị em, bình quân thu nhập mỗi người gần 150.000 đồng/ngày. Bà Huỳnh Thị Bạch ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 vui vẻ cho biết: “Từ ngày có việc làm cá, chị em chúng tôi ở đây có việc để làm, kiếm được nguồn thu nhập hàng ngày. Nhờ vậy, hơn nửa năm nay, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn, chứ không có công việc này thì chắc chị em phải đi thành phố làm rồi”. Còn bà Lâm Thị Vốn ở ấp Hòa Nhạn, xã Hòa Tú 1 cũng vui vẻ góp lời: “Mình lớn tuổi rồi, đâu có đi làm xa được. Nhờ cô Ly có cơ sở cho làm ở đây cũng có đồng vô đồng ra nên đỡ hơn trước rất nhiều”.
Thông qua Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, các sản phẩm từ cá rô phi, như: khô, chả cá, chà bông… của hộ chị Ly có đầu ra ổn định, không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh mà còn ở các thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bình quân mỗi tháng chị Ly giao gần 200kg sản phẩm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ các mặt hàng này rộng mở, nhưng khó khăn là nguồn nguyên liệu cá rô phi không đủ và chị cũng thiếu vốn đầu tư trang thiết bị để gia tăng sản lượng. “Bây giờ trước mắt làm thủ công, nhưng làm thủ công thì hàng không có đủ cung. Nếu được chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ hỗ trợ nguồn vốn để mua máy móc, tôi sẽ mở rộng mặt hàng để làm cho được nhiều” - chị Ly cho biết thêm.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Hương - Trưởng Ban Phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN tỉnh) cho biết: “Trong hoạt động của Đề án 939 có hỗ trợ doanh nghiệp nữ, năm nay chỉ tiêu của chúng tôi hỗ trợ 60 doanh nghiệp nữ. Mô hình của chị Ly cũng là một trong những mô hình chúng tôi sẽ hỗ trợ khởi nghiệp khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ chị viết các ý tưởng để cho những nhà tài trợ, mạnh thường quân, các tổ chức có nhu cầu quan tâm đến khởi nghiệp của chị để đầu tư, song song đó nếu có các lớp tập huấn liên quan đến khởi sự kinh doanh, chúng tôi sẽ mời chị Ly tham gia”.
Từ ý tưởng đến việc triển khai thực hiện dựa trên lợi thế ở địa phương, bước đầu chị Huỳnh Thị Ly đã gặt hái được thành công, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ sáng tạo trong khởi nghiệp, tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Theo Tuyết Xuân, Báo Sóc Trăng
Dự án "Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á- giai đoạn 2" (GRAISEA 2) được thực hiện tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu từ năm 2018 đến 2021 với mục tiêu "Thay đổi cuộc sống của những người sản xuất quy mô nhỏ và người lao động trong kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam thông qua tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong phát triển chuỗi giá trị tôm bền vững và thích ứng với khí hậu ".
Trong khuôn khổ dự án Graisea, các chị em trong các HTX đã được nâng cao năng lực và vai trò của các chị em không chỉ trong hộ gia đình mà còn trong xây dựng phát triển kinh tế. Thay đổi từ trong nhận thức và hành động, từ những người phụ nữ chỉ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái, giờ đây họ đã xây dựng được mô hình kinh doanh dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có và nhân lực tại địa phương. Không chỉ cải thiện được sinh kế hộ gia đình mà góp phần tạo công ăn việc làm cho các chị em khác đồng thời giới thiệu sản phẩm của quê hương đến với người tiêu dùng.