Tiếp tục cho hoạt động “Đánh giá tài nguyên nghêu, tác động môi trường và xã hội và quản lý tài nguyên nghêu tại tỉnh Bến Tre” nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển chuỗi giá trị nghêu bền vững và toàn diện tại Việt Nam SCBV”, Ban quản lý dự án SCBV/ ICAFIS/ OXFAM tại Việt Nam phối hợp cùng nhóm chuyên gia Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản(VIFEP), triển khai từ tháng 05 năm 2019 tại các Hợp tác xã nuôi nghêu tỉnh Bến Tre và các tổ nhóm cộng đồng nuôi nghêu tại xã Tân Thành huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang.Trongđó, cán bộ ICAFIS đã cùng với các chuyên gia của VIFEP tiến hành nghiên cứu thu thập mẫu nghêu giống trên địa bàn các HTX: Đồng Tâm, Rạng Đông (Bình Đại-Bến Tre) , HTX An Thuỷ, Tân Thuỷ, Bảo Thuận (Ba Tri- Bến Tre) và Cồn bãi xã Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang.
Hoạt động thu mẫu nghêu giống
Theo các báo cáo của các Hợp tác xã nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các hộ nuôi nghêu tỉnh Tiền Giang, vào tháng 4 – 5 là thời điểm thu hoạch nghêu thương phẩm, kích cỡ dao động từ 50 – 60 con/kg, trong giai đoạn này hầu hết nghêu đã vào thời điểm mang trứng và sinh sản, trên cơ sở đó nhóm chuyên gia xác định nguồn lợi nghêu giống tự nhiên có thể sẽ xuất hiện trên các bãi triều thuộc phần quản lý của các Hợp tác xã và tổ hợp tác, từ đó nhóm đã áp dụng các phương pháp kỹ thuật để xác định địa điểm lấy mẫu đại diện cho toàn diện tích bãi nghêu, đếm số lượng nghêu theo phương pháp ngẫu nhiên đánh dấu theo tỷ lệ 1m2/điểm và thực hiện hơn 5 điểm trong diện tích nuôi từng Hợp tác xã, dùng phương pháp sàn lọc đếm mẫu trực tiếp bằng kính lúp và dùng cân tiểu ly để cân mẫu để xác định kích cỡ, trọng lượng nghêu giống theo từng thời điểm thích hợp với các yếu tố môi trường, tham khảo ý kiến ban quản lý Hợp tác xã về tình hình nuôi trồng, các tác động của môi trường biến đổi bất thường trong thời gian gần đây từ đó đánh giá được mức độ phát triển thực tế của nghêu giống tại khu vực nuôi trồng.
Mục tiêu hoạt động lấy mẫu nghêu giống nhằm bổ sung vào bảng số liệu về trữ lượng, tài nguyên nghêu, những tác động của môi trường từ đó cập nhật vào báo cáo chung của hoạt động “Đánh giá tài nguyên nghêu, tác động môi trường và xã hội và quản lý tài nguyên nghêu tại tỉnh Bến Tre”nhằm đề xuất các hướng phát triển bền vững cho ngành nghêu phù hợp với chứng nhận của MSC, hướng tới cập nhật vào nguồn số liệu để hỗ trợ địa phương trong tái chứng nhận MSC của tỉnh Bến Tre lần 3 và đánh giá chứng nhận MSC nghêu nghêu đầu tiên cho tỉnh Tiền Giang.
Hoài Quân - ICAFIS