{ICAFIS_GRAISEA2} Tập huấn Chứng nhận bền vững trong nuôi trồng thuỷ sản và xu hướng thị trường

Sự tăng trưởng nhanh chóng của nuôi trồng thủy sản đã có tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương tại nhiều quốc gia, trong khi đó người tiêu dùng ngày càng nhận thức được các vấn đề chất lượng thủy sản: như dư lượng kháng sinh và thuốc trừ sâu, sự lây lan của ký sinh trùng, của mầm bệnh, vấn đề ô nhiễm nước, tác động xã hội. Điều này đòi hỏi sự minh bạch trong các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó sự ra đời của các chứng nhận bền vững trong Nuôi trồng thuỷ sản là hết sức quan trọng. Hiện nay các tiêu chuẩn đang được được áp dụng tại các địa phương được chia làm 2 nhóm: Nhóm tiêu chuẩn Việt Nam: VietGAP, tiêu chuẩn Organic Việt Nam; Nhóm tiêu chuẩn thế giới: ASC, MSC, Global GAP, GAP, Organic EU/US, Seafood Watch, SEASAIP, FOS, Bio Suisse…

Trong hoàn cảnh khi người nuôi đang gặp khó khăn vì  sự rối loạn giữa các tiêu chuẩn, xu hướng của người tiêu dùng hiện tại và vì những yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn khi áp dung. Dự án Tăng cường Bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á- giai đoạn 2 (GRAISEA2) và dự án Chuỗi giá trị bền vững và trách nhiệm Nghêu tại Việt Nam (SCBV) do Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững thực hiện phối hợp cùng tổ chức WWF tại Việt Nam và Trung tâm Recerd đã tổ chức khoá tập huấn Chứng nhận bền vững trong nuôi trồng thuỷ sản và xu hướng thị trường tại TP Cần Thơ trong 2 ngày 5,6/3/2021. 

Khoá tập huấn có sự tham dự của 60 đại biểu là đại diện những HTX nuôi tôm và nghêu ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh. Đây hầu hết là các HTX đang và sẽ thực hiện các chứng nhận bền vững cho vùng nuôi của mình. 

 img_3723.jpg

Tại khoá tập huấn, các học viên được tiếp cận và hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn mà họ đang và sẽ áp dụng với từng nhu cầu và khả năng của mỗi htx. Các giảng viên đến từ các tổ chức ICAFIS, WWF Việt Nam, Recerd, Global GAP và từ đơn vị thực hiện chứng nhận Control Union (CU) đã giới thiệu và hướng dẫn các học viên về sự khác biệt và những điểm cần chú trọng khi thực hiện các chứng nhận này. Các học viên cũng chia sẻ các kinh nghiệm và khó khăn khi thực hành áp dụng chứng nhận. Đối với Sóc Trăng, 2 trong số 3 HTX tham gia đang áp dụng chứng nhận ASC cho các nhà mua hàng của Châu Âu, 1 HTX đang thực hiện mô hình tôm lúa (theo hướng hữu cơ), tại Cà Mau đã có 1 HTX tham gia khoá tập huấn đạt được chứng nhận hữu cơ tôm rừng. Đối với bên Nghêu, sự chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện và đạt chứng nhận MSC của các htx nuôi nghêu cũng là một kinh nghiệm quý giá đối với các giảng viên và các htx khác đang chuẩn bị áp dụng chứng nhận này. 

img_3735.jpg  img_3760_0.jpg

img_3769.jpgimg_3771.jpg

Các nhóm đã được các chuyên gia hướng dẫn về một số quy định mới liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đảm bảo sự minh bạch và quyền lợi của người nuôi khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nhiều biện pháp đã và đang được áp dụng như cấp mã số vùng nuôi ao nuôi cho các hộ nuôi tôm, áp dụng hệ thống Nhật ký điện tử trong nuôi tôm. Sắp tới, Tổng cục Thuỷ sản sẽ tiến hành thực hiện cấp mã số vùng nuôi cho các htx nuôi Nghêu. Đồng thời, xác định được xu hướng thị trường hiện tại của các nhà mua hàng thế giới. 

img_4462.jpg

Với hai ngày học tập và thảo luận, các học viên đã rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm quan trọng trong việc áp dụng chứng nhận bền vững, thực tế cho thấy, không phải chạy theo thị trường mới là điều đúng đắn nhất mà phải phù hợp với năng lực và định hướng của HTX và nhà máy thì mới đảm bảo được hiệu quả của việc áp dụng chứng nhận. 

Ngọc Trang- ICAFIS

Share: 

Tin tức khác