Ngày 19/8/2015, tại Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp cùng Hiệp hội đồng quốc tế khu vực Đông Nam Á (ICASEA) tổ chức Hội thảo công bố kết quả Dự án “Nghiên cứu về hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của việc sử dụng lồng hợp kim đồng trong nuôi cá biển tại vịnh Bến Bèo, đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng”. Tham dự Hội thảo có đại diện Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện Chiến lược ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Học viện Nông nghiệp và các chuyên gia Hiệp hội ICASEA…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Thanh Lựu - Giám đốc ICAFIS cho biết: “Hiện nay ngành nuôi cá lồng đang phát triển mạnh trên toàn quốc, nhưng chủ yếu vẫn dùng lồng sử dụng lưới ny lông, gây những tác hại cho môi trường. Nguyên nhân là do bị hàu, rong rêu bám vào lưới làm cho nước lưu thông kém và tăng ký sinh trùng gây ô nhiễm nước làm cá bị nhiễm bệnh, chi phí tăng sản xuất tăng cao, sản lượng cá thu hoạch giảm. Để khắc phục các hạn chế trên của lồng nuôi cá nylông, được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT và UBND TP. Hải Phòng, Hiệp hội đồng ICASEA đã phối hợp Trung tâm ICAFIS thực hiện Dự án lồng cá dùng vật liệu đồng (CAM) trong ngành thủy sản Việt Nam tại đảo Cát Bà TP. Hải Phòng, thời gian triển khai dự án từ 1/2014 - 6/2015. Mục tiêu của Dự án nhằm sử dụng lồng đồng trong nuôi cá bè tại Việt Nam,góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và BVMT”.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo báo cáo tại Hội thảo, từ năm 1970, lồng cá sử dụng các tấm lưới đan từ các sợi dây hợp kim đồng đã được thử nghiệm thành công và ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Đặc biệt từ những năm 2010 trở lại đây, lồng cá bằng đồng đã được lắp đặt rất nhiều trên khắp thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hiệp hội đồng ICASEA và các nhà sản xuất dây đồng như Wieland, Daechang, Mitsubishi-Shindoh. Công nghệ lồng vật liệu đồng có các ưu điểm lưu thông dòng chảy, giúp duy trì lượng ô xy cao, không có ký sinh trùng và vật liệu bám gây dịch bệnh cho cá, giảm việc bổ sung kháng sinh và hóa chất, đồng thời do kết cấu vững chắc nên không bị biến dạng do sóng biển và bão lớn nên đặt lồng nuôi ở khơi xa và có thể tái chế, giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Từ các ưu điểm trên của lồng đồng, các chuyên gia Dự án lắp đặt 3 lồng đồng kích thước 3x3x3m và 3 lồng đồng kích thước 2.0x2.5.3.0m nuôi cá mú (Grouper) tại hai bè nuôi, đảo Bến Bào, Cát Bà. Lồng nuôi bằng nylông được sử dụng làm đối chứng. Sau hơn một năm thực hiện Dự án với điều kiện nuôi tại của Việt Nam, kết quả cho thấy, công nghệ lồng cá dùng vật liệu đồng đã đem lại hiệu quả rất lớn và vượt trội so với lồng nylông. Lồng đồng giúp cá sống tăng trưởng (lớn hơn 26,5%), tỷ lệ cá sống cao (hơn 18,5%), hệ số chuyển đổi thức ăn cao (hơn 40%). Ngoài ra, cá nuôi ở lồng đồng ít bị bệnh, môi trường nước thông thoáng nên cá khỏe mạnh, giúp cho hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nuôi cá bằng lồng đồng giúp thân thiện với môi trường, do bề mặt lồng không có vi sinh vật bám nên không cần sử dụng máy phát diesel cọ rửa, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vật liệu đồng được tái chế sau khi không sử dụng… Hàm lượng đồng không lưu trong da, thịt, gan cá nên cá có chất lượng cao, lợi nhuận thu được từ nuôi cá lồng đồng gấp 1,5 lần so với lồng nylông. Từ kết quả thành công của Dự án cho thấy, công nghệ sử dụng lồng đồng trong nuôi cá bè, giúp ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, cần được khuyến nghị phổ biến cho nông dân để ứng dụng rộng rãi.
Châu Loan